Làm bạn với cây

Tôi nhìn ra ngoài ban công, ở đó có một cây bơ khoảng độ ba gang tay, vẫn còn non nớt. Cây bơ do chính tay tôi trồng xuống, đúng hơn là do tôi gieo hạt sau khi ăn xong.
Làm bạn với cây

Ban đầu, khi vùi hạt xuống chậu, vốn được dùng để trồng rau, tôi không nghĩ nó sẽ nảy mầm. Bởi một ít đất trong chậu có là gì so với cả một miền đồi bát ngát như ở Bảo Lộc. Ấy vậy mà lạ lùng sao, chỉ sau mấy ngày gieo hạt, một buổi sáng ra ban công, tôi bất ngờ khi thấy một mầm bụ bẫm mọc lên.

Ngày tiếp ngày, từ một gang tay, cây bơ lớn dần lớn dần, những chiếc lá bắt đầu trổ ra xung quanh. Cũng kể từ lúc đó, sự hiện diện của cây bơ đã như một người bạn của tôi. Có những buổi tối, giữa lúc căng thẳng công việc, tôi thường ngừng ngang rồi bước ra ban công, lấy tay vuốt nhẹ lên từng chiếc lá, cảm giác thân tình như đang bắt tay người bạn của mình.

Hoặc đôi khi là những lần tưới nước cho cây, cũng mang đến sự hân hoan của một người đang được học về cách quan tâm. Điều này có ý nghĩa không nhỏ. Bởi tôi vẫn nghĩ, mình chỉ thực sự biết quan tâm đến những người xung quanh khi mình biết quan tâm, săn sóc từ những điều bé nhỏ. Còn chưa kể, khi được làm bạn với cây thì những căng thẳng hay muộn phiền theo một cách nào đó cũng được vơi dần.

Ngắm nhìn cây bơ, tôi liền nhớ về những người bạn đã cùng đi qua thơ ấu, ghi dấu những tiếng nói tiếng cười, cả những nỗi niềm mà không biết tỏ bày cùng ai. Đó là giàn đậu ván ở đầu ngõ mà cha tôi đã gieo xuống. Nhờ được tưới nước thường xuyên nên cây lớn lên từng ngày. Chẳng biết vì trồng trái mùa hay vì tiết trời nóng bức mà cây đậu ván chẳng chịu ra hoa kết trái. Ngày ngày cây vẫn lớn lên và leo đầy hàng rào tạo nên một khoảng mát ở đầu ngõ. Tôi và lũ trẻ trong xóm bỗng nhiên có được một nơi lý tưởng. Dưới bóng mát của giàn đậu ván, chúng tôi cười nói, chơi đùa cùng nhau không biết chán.

Rồi tôi lại nhớ đến hàng cau sau hè với bốn cây cau hiên ngang mọc thẳng lên trời. Thân cau chỉ bằng bụng chân người lớn, càng lên cao càng nhỏ lại. Đến mùa hái cau, nhờ nhỏ con nên tôi thường trèo lên hái cau giúp mẹ cho những buổi chợ hay dịp giỗ chạp.

Tôi còn tìm thấy thêm một niềm vui khác, đó là khi có một tàu cau bất ngờ rơi xuống, tôi sẽ ào ra sau hè, đi tìm lũ bạn để chơi trò kéo mo cau. Chúng tôi thay phiên nhau đứa ngồi đứa kéo, chỉ vậy thôi mà có những tiếng cười giòn tan. Những chiếc mo cau còn được mẹ cắt ra làm quạt. Vào những buổi trưa hay tối mùa hè, nắng nóng rồi gió Lào thi nhau phả hầm hập, mẹ tôi vẫn đều tay đưa quạt. Chiếc quạt mo cau đơn sơ, vỗ về những giấc ngủ trẻ thơ.

Sau hè, tôi còn có một người bạn nữa, đó là cây na. Khi tôi sinh ra thì cây na đã có mặt ở cuối hè. Ngoài việc trèo hái những quả chín hay những quả đã “mở mắt tròn xoe” cho mẹ mang ra chợ, thỉnh thoảng tôi cũng trốn ngủ trưa, trèo lên cây, tìm bóp nhẹ lên những quả na trông chừng đã già. Lần nào gặp được quả chín, tôi cũng bóc vỏ ăn ngay trên cây. Trái chín cây luôn có một sự hấp dẫn riêng về độ ngọt lẫn mùi thơm, phần thưởng ấy không phải ai cũng có được.

Nhìn cây bơ nhỏ nhắn hồn nhiên xanh, những chiếc lá vẫy vẫy như thể gửi đến tôi một lời chào, trong tôi bỗng ùa về những câu thơ học thuở nhỏ: Ai trồng cây/ Người đó có tiếng hát/ …Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/ Mau lớn lên từng ngày (Bài hát trồng cây - Bế Kiến Quốc).

Cảm giác trong tôi lúc này chính là cảm giác mà bài thơ nhắc đến. Hạnh phúc của người trồng cây, chính là có thêm một người bạn. 
Cây cỏ cũng có linh hồn; vậy nên, khi tiết trời đang xuân, đất vừa mềm tơi là thời khắc tốt nhất để tự tay trồng xuống một cái cây, cũng là lúc để bắt đầu cho một tình bạn.

Tin cùng chuyên mục