Làm bạn với học sinh cá biệt ​

Chủ nhiệm một lớp hơn 40 học sinh đã vất vả. Khi trong lớp có học sinh cá biệt, thường xuyên thể hiện sự chống đối, không chấp hành các mệnh lệnh chung thì đòi hỏi người giáo viên phải đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để dạy dỗ các em. Áp lực đặt lên vai các thầy, cô giáo vì thế càng hết sức nặng nề. 

Bản lĩnh nhà giáo

Nhớ lại những năm tháng còn đứng trên bục giảng, nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, người có hơn 30 năm kinh nghiệm dạy học, cho biết bản thân cô từng dạy nhiều trường hợp học sinh cá biệt. Những lúc các em thiếu hợp tác trong giờ học, cô sẽ yêu cầu những học sinh này ngồi riêng ra một góc lớp, im lặng, chờ cô thực hiện hết tiết dạy sẽ nói chuyện riêng.
“Tôi quan niệm những lời la mắng, thậm chí đòn roi chỉ khiến học sinh tăng thêm chống đối với giáo viên. Thay vào đó, tôi chọn cách cư xử với các em thật nhẹ nhàng, mềm mỏng, dùng những lời phân tích chân tình, đánh vào tình cảm, quyền lợi của chính các em để qua đó giúp học sinh của mình phân biệt được đúng-sai, biết đâu là việc nên làm hoặc cần tránh”, cô Ngọc Bích chia sẻ. 
Còn cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) thì có cách làm là ngay từ đầu năm học, cô đã đặt ra quy ước với cả lớp. Khi các em vi phạm nội quy trong lớp sẽ được cô nhắc nhở.
Sau 2 lần nhắc nhở, nếu học sinh tiếp tục vi phạm sẽ bị ghi tên trên bảng. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm, cô sẽ mời phụ huynh các em lên để trao đổi và nhắc nhở.
Nhờ đặt ra quy ước rõ ràng nên bạn nào bị ghi tên trên bảng sẽ hiểu được rằng nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị mời ba mẹ lên làm việc nên các em không dám tái phạm.
Làm bạn với học sinh cá biệt ​ ảnh 1 Được phân công chủ nhiệm một trong những lớp có sĩ số đông nhất Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) nhưng cô Bùi Thị Ngọc Linh vẫn làm tốt vai trò dìu dắt của mình
Đối với học sinh chưa ngoan, chỉ cần các em có một biểu hiện nghe lời, hoàn thành tốt yêu cầu của giáo viên sẽ ngay lập tức được cô khen thưởng trước lớp để động viên sự tiến bộ, khuyến khích các em tiếp tục có biểu hiện ngoan.     
Ở góc độ khác, cô Vũ Thị Thiên Trang, giáo viên Trường Tiểu học Lý Cảnh Hớn (quận 5), cho biết học sinh tiểu học có đặc điểm là ít chịu ngồi yên và rất thích nói chuyện. Để các em bớt nói chuyện riêng trong lớp, giáo viên phải tạo điều kiện cho các em thường xuyên “nói chuyện chung” bằng cách thảo luận nhóm, phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ như quan sát, thí nghiệm, thực hiện các phiếu bài tập. 
Đối với học sinh ở độ tuổi “tiền trưởng thành”, cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, cho rằng chất xúc tác quan trọng để giáo viên có thể gần gũi, chia sẻ với học sinh chính là sự tương đồng về suy nghĩ và sở thích. Vì lý do đó, cô giáo 9X không từ chối bất kỳ hoạt động tập thể nào cùng học trò.
“Tuy gọi cô là cô giáo nhưng nhìn cô búi cao tóc, cởi bỏ áo dài và khoác lên người bộ đồng phục học sinh giống tụi em, cùng nhảy rất sung bài đồng diễn thể dục với cả lớp khiến bạn nào cũng yêu quý cô. Cô giống như người chị, người bạn lớn của tụi em vậy”, một học sinh lớp cô Quỳnh Anh đang chủ nhiệm cho biết.
Nhờ sự gần gũi đó, cô giáo được cấp “thẻ thông hành” ở tất cả nhóm chat trên mạng xã hội của học trò, có thể dễ dàng chia sẻ, đồng hành cùng mọi diễn biến tâm lý “trái gió trở trời” của học sinh.    
Dạy học trò bằng tất cả yêu thương
Cô Trần Thị Kim Oanh, giáo viên Trường Mầm non 19/5 Thành phố, luôn tâm niệm hạnh phúc của nghề giáo là được nhìn thấy những bước phát triển, tiến bộ của học trò.
“Học trò của tôi có em ra trường hơn chục năm vẫn quay về thăm cô giáo, song cũng có nhiều em chưa một lần trở về, thậm chí quên luôn tên và gương mặt cô giáo, nhưng không vì thế mà tôi mất đi động lực cống hiến. Bởi một khi đã chọn nghề giáo thì mỗi thầy, cô đều ý thức được trọng trách của mình là đưa các thế hệ học sinh qua sông. Các em cập bến sông an toàn đã là niềm vui lớn”, cô Oanh bày tỏ. 
Nhờ xác định được nguồn vui đó, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết chỉ lưu giữ những kỷ niệm đẹp về sự thành công, trưởng thành của học trò.
Đối với những trường hợp học sinh chưa ngoan, thầy sẽ tìm phương pháp giảng dạy phù hợp, kiên nhẫn uốn nắn từng biểu hiện hành vi nhỏ nhất của các em.
“Nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ truyền đạt về tri thức mà còn giáo dục hành vi, lối sống, dạy đạo đức cho học sinh. Vì vậy, chỉ cần các em có tiến bộ ở phương diện nào đều được nhìn nhận và đánh giá cao vì sự cố gắng, những biểu hiện chưa ngoan trước đây đều được tôi quên hết”, thầy Vũ cho biết.    
Đồng quan điểm, cô Trịnh Giáng Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận), cho rằng khi nhìn một học sinh cá biệt, người giáo viên không chỉ nhìn những biểu hiện trực tiếp, nhất thời mà phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình các em, hiểu lý do vì sao các em có ý định bỏ học hoặc thường xuyên không làm bài tập.
Chỉ khi chia sẻ được tâm tư, tình cảm với học sinh thì khoảng cách cô - trò mới xích gần lại, cô hiểu được trò đang cần gì và trò tìm được sự đồng cảm, tin tưởng nơi cô giáo.
Mặt khác, theo nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, hành vi cá biệt có thể không xuất phát từ chính bản chất, tính cách của học sinh mà nhiều trường hợp do hoàn cảnh sống chi phối.
Do đó, có thể ngày hôm nay các em thể hiện sự bất cần, ngang ngạnh nhưng nếu người giáo viên nắm bắt đúng tâm lý học sinh, đưa các em trở lại môi trường sống với những hành vi, thói quen tốt sẽ giúp các em trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục