Làm chủ công nghệ sấy thăng hoa

Mới đây dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống sấy thăng hoa kết hợp bơm nhiệt năng suất 35kg nước ngưng trong 24 giờ” do Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng thực hiện đã được Hội đồng khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đánh giá cao.
Làm chủ công nghệ sấy thăng hoa ảnh 1 Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng bên máy sấy thăng hoa phiên bản DS-10
Đối với các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến, sữa ong chúa…, nếu bảo quản bằng phương pháp lạnh đông hay sấy thông thường sẽ không bảo toàn được tính chất tự nhiên của sản phẩm. Giải pháp tối ưu là áp dụng sấy thăng hoa. Song nhược điểm của phương pháp này là làm giảm khả năng tách ẩm, dẫn đến thời gian sấy kéo dài và làm tăng chi phí năng lượng. 
Sau gần 18 năm nghiên cứu và liên tục cải tiến qua 10 đời máy, mới đây dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống sấy thăng hoa kết hợp bơm nhiệt năng suất 35kg nước ngưng trong 24 giờ”, do Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM) thực hiện, đã được Hội đồng khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đánh giá cao vì giải quyết được các hạn chế cố hữu của phương pháp này, kỳ vọng sau nghiệm thu có thể đưa vào ứng dụng đại trà, giúp nâng giá trị các sản vật.
Làm chủ công nghệ sấy thăng hoa ảnh 2 Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng cùng các cộng sự bên máy sấy thăng hoa phiên bản DS-10
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Việt Nam có nhiều sản vật và sản phẩm quý như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tổ yến, sữa ong chúa, tinh bột nghệ, bột màng hạt gấc… Muốn bảo quản được lâu, phải qua công đoạn sấy. Sấy thăng hoa có chất lượng tốt là do quá trình sấy được tiến hành trong môi trường có nhiệt độ và áp suất thấp, nhiệt độ vật liệu sấy dưới điểm kết tinh. Vì thế, protein của vật sấy không bị biến tính, lipid không bị ôxy hóa, gluxit không bị hồ hóa, các hoạt chất sinh học, vitamin, khoáng chất không bị phá hủy, màu sắc và mùi vị gần như không thay đổi. Tuy nhiên, cũng theo ông, công nghệ sấy này chưa được áp dụng đại trà trong bảo quản thực phẩm tại Việt Nam vì nhiều nguyên nhân, như giá thành chế tạo thiết bị sấy cao, việc cấp nhiệt cho quá trình sấy tốn nhiều năng lượng nên làm tăng giá thành của sản phẩm sấy… 
Trong khi đó, hiện nay nhu cầu máy sấy thăng hoa trong nước rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập máy từ nước ngoài với giá hàng tỷ đồng. Với những trăn trở đó, vừa nghiên cứu vừa hoàn thiện, lần lượt các phiên bản máy sấy thăng hoa của Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng ra đời, đã được nhiều doanh nghiệp đón nhận. Mỗi phiên bản đều được nhóm nghiên cứu cải tiến rất nhiều về mẫu mã, kiểu hình, chất lượng kỹ thuật và nhất là ngày càng tiết kiệm năng lượng. Những thế hệ máy từ DS-3 đến DS-8 được lắp đặt và chuyển giao thành công ở nhiều địa phương như Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Dương, TPHCM, An Giang… Phiên bản sấy thăng hoa DS-9, đặc biệt là DS-10 trong dự án sản xuất thử nghiệm lần này, đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật (nhiệt độ môi trường sấy, nhiệt độ hóa đá, áp suất chân không môi trường sấy phải đạt tới độ chính xác như mong muốn…).
Bên cạnh đó, hệ thống tự động đo lường và điều khiển quá trình sấy rất thông minh, ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT - Kết nối vạn vật) vào trong quá trình điều khiển. Khi đó, chủ doanh nghiệp tuy ở một địa điểm cách xa nhà máy nhưng vẫn điều khiển, kiểm soát được hoạt động hệ thống sấy thăng hoa.

Tin cùng chuyên mục