Nạo vét, vớt rác, duy tu kênh rạch

Làm đồng bộ và căn cơ

Sau khi báo SGGP đăng bài “Nạo vét, vớt rác, duy tu kênh, rạch: Thiếu kinh phí hay thiếu tính kế hoạch”, chúng tôi đã đem những thực tế ghi nhận được và thắc mắc của người dân về chất lượng nạo vét, vớt rác tại một số tuyến kênh, trao đổi với lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị TPHCM (QLGTĐT) và Công ty Thoát nước đô thị TPHCM (TNĐT).
Làm đồng bộ và căn cơ

Sau khi báo SGGP đăng bài “Nạo vét, vớt rác, duy tu kênh, rạch: Thiếu kinh phí hay thiếu tính kế hoạch”, chúng tôi đã đem những thực tế ghi nhận được và thắc mắc của người dân về chất lượng nạo vét, vớt rác tại một số tuyến kênh, trao đổi với lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị TPHCM (QLGTĐT) và Công ty Thoát nước đô thị TPHCM (TNĐT).

Bà Hoàng Thị Diệu - Phó Giám đốc Khu QLGTĐT: Có kinh phí chưa hẳn đã làm được…

Làm đồng bộ và căn cơ ảnh 1
Vớt rác trên kênh, một công việc nặng nhọc nhưng chưa có hiệu quả? Ảnh: THẾ NHÂN

Đúng là hiện nay kinh phí cho công tác nạo vét, duy tu và vớt rác đang thiếu. Tuy nhiên không phải trong năm 2004 kinh phí quy định cho công tác này chỉ có 5 tỉ đồng, con số này là tập trung trong 6 tháng mùa khô, cái chính là Công ty TNĐT phải lập kế hoạch còn bao nhiêu tuyến kênh, rạch nữa cần nạo vét, vớt rác, trình cho khu để chúng tôi giải quyết. Hiện nay chúng tôi đang xin thêm 10 tỉ đồng nữa cho công tác này nên không thể nói là thiếu tiền.

Tuy nhiên, nếu có đủ kinh phí thì cũng chưa hẳn nạo vét sạch được các tuyến kênh rạch vì sự lấn chiếm của nhà dân. Như rạch cầu Sơn, cầu Bông, nhà dân lấn gần hết con rạch, muốn vét được thì quận Bình Thạnh phải giải tỏa nhà dân trước. Nếu không giải tỏa được nhà dân lấn chiếm hai bờ kênh thì cũng chỉ “cắt khúc” nạo vét và hôm nay làm ngày mai người dân lại xả, lại bồi…
 

Ông Chu Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNĐT: Giải pháp căn cơ: Làm như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

- Phóng viên: Theo tổng kết công tác từ đầu năm 2004 đến tháng 7, kinh phí dành cho công tác vớt rác và nạo vét duy tu kênh rạch là 5 tỉ, vậy kế hoạch 4 tháng cuối năm như thế nào?

- Ông CHU QUỐC HUY: Trong năm 2004, công ty có thay đổi phương thức thực hiện là tập trung cho công tác duy tu nạo vét mùa khô, nhằm mục đích tạo cho hệ thống thoát nước được thông thoáng và làm sạch trước mùa mưa. Vào những tháng còn lại công ty sẽ kiểm tra và cho tiến hành tái nạo vét những tuyến có độ lắng đọng cao. Hiện nay Sở Tài chính đã cấp bổ sung vốn cho công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

Từ tháng 7 đến tháng 12-2004, Công ty sẽ ưu tiên giải quyết nạo vét duy tu 18 tuyến kênh rạch bị bồi lắng ô nhiễm nặng, với tổng chiều dài 13.123m. Chúng tôi hy vọng Khu QLGTĐT sẽ tiếp tục duyệt các kế hoạch mà chúng tôi xây dựng để làm thông thoáng kênh rạch trên địa bàn TPHCM.

- Theo Khu QLGTĐT, đến thời điểm này khu mới nghiệm thu các kế hoạch của Công ty TNĐT đến tháng 4. Tại sao vậy, thưa ông?

- Hàng tháng kế hoạch duy tu nạo vét kênh rạch được xây dựng và tổng hợp chung với kế hoạch duy tu nạo vét các tuyến cống thoát nước. Sau khi có báo cáo hoàn công của một tháng hoàn thành, từng hạng mục làm xong đều được cán bộ giám sát theo dõi xác nhận. Khu QLGTĐT sẽ tiến hành tổ chức nghiệm thu. Như trên đã trình bày, do tập trung công việc trong mùa khô khối lượng nạo vét duy tu của công ty phải thực hiện là rất lớn và phức tạp. Mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn không đáp ứng kịp tiến độ nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu theo thời gian.

- Có nhiều tuyến kênh rạch ô nhiễm nặng nhưng khi xây dựng kế hoạch TNĐT chỉ thực hiện cắt khúc (một đoạn nào đó), vậy có khác gì “làm cũng như không” và kinh phí đổ ra như muối bỏ biển?

- Do tính chất công việc, hàng tháng công ty và khu phối hợp tiến hành kiểm tra và cho thực hiện những đọan kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm nặng để giải quyết thoát nước và phần nào đảm bảo vệ sinh môi trường. Về lâu dài để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước của các tuyến kênh, cần phải tiến hành giải tỏa các hộ dân lấn chiếm trên lòng kênh và nạo vét triệt để như các dự án ODA đang được triển khai.

- Theo ông, khó khăn nhất trong công tác duy tu nạo vét đối với đơn vị?

- Hiện nay thành phố chưa có bãi đổ bùn nạo vét. Do đó cự ly vận chuyển từ địa điểm thi công đến bãi đổ rất xa, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và năng suất. Kênh rạch của thành phố bị lấn chiếm nghiêm trọng. Trong quá trình thi công không thể sử dụng các trang thiết bị cơ giới để nạo vét mà phải thi công bằng thủ công rất vất vả cho người công nhân và ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động cũng như sức khỏe công nhân.

- Làm thế nào để khắc phục tình trạng bùn rác tái đọng sau khi nạo vét?
 
- Đây là vấn đề bức xúc không chỉ của riêng Công ty TNĐT. Để giải quyết vấn đề trên cần phải có sự chung sức của toàn xã hội, trong đó vấn đề ý thức người dân là quan trọng hàng đầu. Tăng cường xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi xuống kênh rạch. Hiện nay, công ty cũng đã chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở GTCC, Thành đoàn TPHCM và các quận đoàn bằng nhiều hình thức tổ chức nhiều đợt vận động tuyên truyền nhân dân không xả rác xuống kênh rạch và hệ thống cống thoát nước.

Song song với việc kêu gọi ý thức người dân, cần đẩy nhanh các dự án đối với kênh rạch bằng nguồn vốn ODA và đối với các chi lưu bằng nguồn vốn trong nước để cải tạo đồng bộ và căn cơ các kênh rạch, như đã từng làm được với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong những năm vừa qua.
 

HỮU THÁI-THẢO HUỲNH

Tin cùng chuyên mục