Làm gì để ghìm cương giá sữa

Sau khi một số hãng sữa tăng giá vào dịp cuối năm 2013, từ ngày 1-3 tới, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với đợt tăng giá sữa nữa khi doanh nghiệp kinh doanh các dòng sữa Similac, Pedia Sure, Enfa... thông báo tiếp tục tăng giá 5% - 7%. Không chỉ giá sữa nhập tăng mà giá sữa trong nước cũng có sự điều chỉnh. Giá sữa của Vinamilk dự kiến có thể tăng thêm 5% - 7% do nguyên liệu đầu vào tăng và đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013. Điều đáng chú ý việc tăng giá sữa của các hãng sản xuất, kinh doanh bắt đầu sau khi Bộ Tài chính có công văn gửi Sở Tài chính các địa phương về tăng cường quản lý giá sữa tháng 12-2013.

Sau khi một số hãng sữa tăng giá vào dịp cuối năm 2013, từ ngày 1-3 tới, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với đợt tăng giá sữa nữa khi doanh nghiệp kinh doanh các dòng sữa Similac, Pedia Sure, Enfa... thông báo tiếp tục tăng giá 5% - 7%. Không chỉ giá sữa nhập tăng mà giá sữa trong nước cũng có sự điều chỉnh. Giá sữa của Vinamilk dự kiến có thể tăng thêm 5% - 7% do nguyên liệu đầu vào tăng và đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013. Điều đáng chú ý việc tăng giá sữa của các hãng sản xuất, kinh doanh bắt đầu sau khi Bộ Tài chính có công văn gửi Sở Tài chính các địa phương về tăng cường quản lý giá sữa tháng 12-2013.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thông lệ hàng năm giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Cục sẽ theo dõi sát thị trường. Nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Công thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp. Ông Tuấn cho rằng, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa.

Câu chuyện về giá sữa tăng liên tục lặp đi lặp lại nhiều năm nay đã đặt ra những băn khoăn về công tác quản lý đối với mặt hàng này. Trước hết, xét về mặt nguyên tắc, dù sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng sữa cũng là mặt hàng điều tiết theo cung cầu của thị trường. Do đó, để kiểm soát việc tăng giá sữa như trong thời gian qua, cần tạo một thị trường cạnh tranh hơn bằng việc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Mặt khác, cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành như tài chính, y tế, công thương thông qua các cơ quan chuyên môn, đại diện ở nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu mặt hàng này. Từ kho dữ liệu đó, cơ quan quản lý có thể tham chiếu, tính toán và xác định được giá sản phẩm khi nhập về Việt Nam, từ đó mới có thể đánh giá được một cách tương đối sự hợp lý hay không khi doanh nghiệp kê khai, đăng ký giá.

Việc quản lý giá sữa không hề dễ dàng, nhất là với sữa nhập ngoại. Việc chuyển giá, giá cả hợp lý hay không cũng khó chứng minh khi mà sự bất hợp lý đó có thể nằm chính tại nhà sản xuất nước ngoài. Trước đây, Bộ Tài chính đã từng kiểm tra thông tin giá sữa bán trong nước tăng 5 - 9 lần so với giá nhập khẩu, lập đoàn kiểm tra về thuế và giá tại 8 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lớn tại Việt Nam. Nhưng kết quả chỉ là thu phạt vào ngân sách hơn 10 tỷ đồng tiền thuế, còn về tăng giá có hợp lý hay không thì không thấy công bố.

Theo số liệu thống kê từ các cơ quan quản lý, năm 2012, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 65.000 tấn sữa bột, trị giá khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó 70% là sữa bột ngoại nhập. Việt Nam cũng có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Những số liệu đó cho thấy, thị trường tiêu thụ sữa Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao thị trường này lại không có sự cạnh tranh về giá (tăng, giảm), trong khi rõ ràng nguyên liệu phụ thuộc vào mùa vụ, thời điểm và giá sản phẩm sữa không thể chỉ có tăng. Rõ ràng thị trường sữa nhập của Việt Nam đang có vấn đề. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, có 2 điểm quan trọng trong quản lý giá sữa mà cơ quan quản lý cần lưu tâm là phải có được kho dữ liệu về giá sữa trong và ngoài nước, từ đó có cơ sở để tham khảo, tính toán. Cùng với đó nên chăng áp dụng giá trần với mặt hàng này và phạt nặng nếu vi phạm. Còn cứ để như tình trạng hiện nay, việc sữa nằm trong danh mục bình ổn không mang nhiều ý nghĩa.

QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục