Làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp quân nhân

Hồ sơ giải quyết chế độ là giấy tờ gốc, như: quyết định phục viên - xuất ngũ, lý lịch quân nhân, sổ trợ cấp phục viên - xuất ngũ, phiếu trợ cấp phục viên - xuất ngũ, lý lịch đảng viên, giấy xác nhận của đơn vị cũ trước khi quân nhân phục viên - xuất ngũ…
Tôi nhập ngũ từ năm 1972, đến tháng 3-1976 phục viên. Năm 1978, quê tôi có trận lụt lớn, các giấy tờ của tôi bị lũ cuốn trôi hết. Xin hỏi, trường hợp của tôi có được hưởng chế độ theo Quyết định 142/2008 không? Khi làm hồ sơ thì cần liên hệ cơ quan, tổ chức nào, ở đâu? 
Bà ĐẬU THỊ TỊNH (quận Thủ Đức, TPHCM)
Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Căn cứ quy định tại Quyết định 142 ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ, quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, thì được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng (nếu có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong quân đội), hoặc chế độ trợ cấp một lần (nếu có dưới 15 năm công tác).
Hồ sơ giải quyết chế độ là giấy tờ gốc, như: quyết định phục viên - xuất ngũ, lý lịch quân nhân, sổ trợ cấp phục viên - xuất ngũ, phiếu trợ cấp phục viên - xuất ngũ, lý lịch đảng viên, giấy xác nhận của đơn vị cũ trước khi quân nhân phục viên - xuất ngũ…
Nếu bị mất giấy tờ gốc thì sử dụng giấy tờ liên quan, như: quyết định gọi nhập ngũ, bổ nhiệm chức vụ, đề bạt quân hàm, điều động công tác; giấy đăng ký quân nhân dự bị, Huân huy chương Kháng chiến, Huân huy chương Giải phóng và các hình thức khen thưởng khác. 
UBND cấp xã là nơi tiếp nhận tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển đến cơ quan quân sự xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Đề nghị bà Đậu Thị Tịnh liên hệ UBND phường nơi đang cư trú để được hướng dẫn giải quyết cụ thể.

Tin cùng chuyên mục