Làm nên chuyện lớn từ hẻm nhỏ

“Biếu không” gần 30.000 cây vàng!
Làm nên chuyện lớn từ hẻm nhỏ

Nằm giữa nội thành, với diện tích chỉ 487,56 ha nhưng quận Phú Nhuận có đến 584 con hẻm, phần lớn là hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo và lầy lội. Hiểu rõ không thể “kham” nổi nguồn kinh phí nếu đầu tư giải tỏa mở rộng hẻm, quận Phú Nhuận chọn cách kiên trì thực hiện phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để mở rộng các con hẻm trên địa bàn.

“Biếu không” gần 30.000 cây vàng!

Làm nên chuyện lớn từ hẻm nhỏ ảnh 1

Hẻm 91 Nguyễn Trọng Tuyển sau khi mở rộng.

Khác với đất ở các khu vực ngoại thành hay đất nông thôn, mỗi mét vuông đất ở quận Phú Nhuận đều có giá rất cao. Ông Hoàng Giang Long, Trưởng ban đại diện khu phố 4, hẻm 270 kể: Trước đây, hẻm 270 Phan Đình Phùng ở phường 1 chỉ rộng độ 1,5m, dài 113m với tổng cộng 103 hộ dân. Khi quyết định góp đất mở rộng hẻm, hầu như nhà nào cũng phải “chặt” vào, bình quân 6m²/hộ, ước tính thời điểm đó khoảng 20 triệu đồng/m². Vậy là trung bình mỗi hộ đã hiến khoảng 120 triệu đồng. Chỉ con hẻm nhỏ này, người dân đã hiến tổng cộng trên 12 tỷ đồng...

Ở phường 13 - một khu vực tập trung đông giáo dân nhất nhì quận Phú Nhuận, phong trào này cũng khá sôi nổi. Ông Trần Quang Sang, Phó Chủ tịch UBND phường khoe: phường đã thực hiện thành công 3 dự án mở rộng hẻm với diện tích đất do người dân đóng góp lên đến gần 800m²; hẻm 489A/23A Huỳnh Văn Bánh có 77 hộ bị ảnh hưởng (tổng diện tích hiến đất gần 330m²), trong đó có hộ 489A/23/20 Huỳnh Văn Bánh hiến đến 17,8m²; hẻm 489A/23 Huỳnh Văn Bánh có 70 hộ thì diện tích hiến đã hơn 400m², trong đó hộ 489A/23/185 Huỳnh Văn Bánh hiến gần 10m² đất...

Phong trào hiến đất mở hẻm ở các phường của quận Phú Nhuận có sức lan tỏa thật lớn. Những con hẻm nhỏ hẹp từ 1,9 đến 2,8m đã được mở rộng lên 4,5m đến 8m; nhà ở của người dân được sửa chữa, xây dựng mới khang trang hơn trước, bố trí ngăn nắp hệ thống đường dây điện và bưu chính viễn thông; đường cống thoát nước xuống cấp được cải tạo, các yêu cầu của công tác phòng cháy chữa cháy được đáp ứng tốt hơn...

Ông Trần Thế Lưu, Bí thư quận ủy quận Phú Nhuận cho biết: quận đã chọn đường Đoàn Thị Điểm phường 1 như là dự án “đầu tay” trong thực hiện mở rộng đường bằng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn quận đã triển khai 49 dự án mở rộng đường và hẻm, đã hoàn thành 33 công trình và đang tiếp tục triển khai 16 công trình khác. Nói nôm na là người dân đã “biếu không” cho quận hơn 10.000m² đất với tổng trị giá gần 30.000 cây vàng. Theo phương thức này, người dân sẽ tự nguyện hiến đất mở hẻm mà không nhận tiền đền bù, nhà nước hỗ trợ tiền kiến trúc và làm đường, hệ thống cống thoát nước, di dời đồng hồ điện...

Đường thoáng, nhà “lên đời”

Từ việc mở rộng và làm lại đồng bộ các công trình hạ tầng khiến các con hẻm khang trang hẳn lên, nhiều người dân đã có thêm cơ hội làm ăn sinh sống. Sau khi hiến phần đất phía trước và sửa lại nhà, vợ chồng ông Diệp Văn Quang, ngụ 270/60 đường Phan Đình Phùng mở một quán cà phê nho nhỏ cho khách vãng lai và người dân trong hẻm. Quán cà phê của ông lúc nào cũng có dăm ba người khách thường trực, tiền thu được từ quán cũng đỡ được phần nào tiền chợ cho hai vợ chồng già mỗi ngày.

Không ai thống kê được hết có bao nhiêu gia đình đã và đang được hưởng lợi từ các con hẻm khang trang, chỉ biết nhiều căn nhà trong hẻm nay đã trở thành trụ sở của DN tư nhân, nhiều hộ còn mua sắm ô tô do đường đã thông thoáng, như ở các tuyến hẻm: 330, 270 Phan Đình Phùng (P1), hẻm 96 Phan Đình Phùng, 64 Cù Lao (P2), 166 Thích Quảng Đức (P4), hẻm 20 Thích Quảng Đức (P5)...

Chủ tịch UBND phường 1 Dương Văn Long làm một thống kê nhỏ: trước khi mở rộng hẻm, nhà ở hẻm 270 Phan Đình Phùng có giá bình quân khoảng 1 cây vàng/m², nay hẻm mở rộng giá nhà ở đây đã lên khoảng 4 cây vàng/m² (theo giá bán của nhà 270/55 Phan Đình Phùng mới đây).

Phú Nhuận cũng là một điểm nóng kẹt xe vào những giờ cao điểm. Từ khi mở rộng hẻm, nhiều con hẻm trở thành “cửa thoát” của các luồng xe, góp phần giảm tải cho các tuyến đường trọng điểm của quận.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục