Làm rõ việc kết hợp 3 phương pháp đánh giá học sinh

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vẫn đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy ý kiến toàn xã hội để hoàn thiện (thời gian lấy ý kiến đến 20-5-2017). 
Học sinh phổ thông có thể sẽ không phải thi tốt nghiệp THPT
Học sinh phổ thông có thể sẽ không phải thi tốt nghiệp THPT
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí là trái chiều về dự thảo, trong đó có nội dung về cách đánh giá kết quả học tập của học sinh trung học.
Chưa rõ định hướng đánh giá kết quả giáo dục
Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới nêu ra 3 hình thức đánh giá. Thứ nhất là đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp. Thứ hai là đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, với hình thức đánh giá định kỳ, điểm khác biệt là trường hoàn toàn có thể cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh đã được đánh giá hoàn thành chương trình phổ thông.

Sự đổi mới này của dự thảo nhận được quan tâm đặc biệt của xã hội, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến tranh luận. Theo PGS-TS Vũ Dương Thụy, Hội Giảng dạy Toán học phổ thông, chương trình GDPT mới đã thể hiện rất rõ về yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hình thức định tính và định lượng, thường xuyên và định kỳ. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, lại cho rằng cần tính rõ định hướng đánh giá kết quả giáo dục, vì đây là nội dung rất quan trọng, quyết định kết quả GDPT.
Theo ông, ban soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc hoặc quyền của các bên tham gia đánh giá kết quả giáo dục trong từng học kỳ, năm học, cấp học: “Quyền của học sinh và cha mẹ học sinh được tham gia như thế nào, khi có thắc mắc ai là người khiếu nại, ai là người chịu trách nhiệm giải quyết. Điều này để tránh tiêu cực làm sai lệch kết quả đánh giá. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có quyền tự quyết, độc lập trong đánh giá học sinh như thế nào, tự chịu trách nhiệm khi đánh giá sai lệch kết quả đánh giá của học sinh; tương tự, là quyền của hiệu trưởng, ban giám hiệu”. 
Đặc  biệt, theo ông Tùng Lâm, nếu dự thảo đã xác định, phẩm chất năng lực của học sinh thì kết quả đánh giá học sinh trong từng học kỳ, từng năm học cũng phải thay đổi. “Đề nghị bỏ cách đánh giá đạo đức học sinh hiện nay theo thang bậc: tốt, khá, trung bình, yếu kém. Cách phê học bạ cho học sinh của từng cấp học phải thay đổi theo yêu cầu các nỗ lực của học sinh trong việc rèn luyện phẩm chất năng lực, không để giáo viên phê chung chung, đại khái hiện nay. Ngoài ra, cần xem lại cách đánh giá học sinh hết THCS (lớp 9), có nên để tình trạng học sinh chỉ tập trung học 2 môn Văn, Toán để thi vào THPT như hiện nay không? Quan điểm của chúng tôi là nên tổ chức cho học sinh thi hết THCS theo môn học bắt buộc là Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên do các tỉnh, thành chỉ đạo một cách nhẹ nhàng, không gây áp lực, nhưng đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả thi hết cấp thay cho thi vào THPT”, ông Tùng Lâm đề xuất.
Cần có hình thức đánh giá định tính và định lượng
GS-TS Nguyễn Cương, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, đề nghị nói rõ các hình thức đánh giá định tính và định lượng là những hình thức nào, đặc biệt là đánh giá về phẩm chất, ở cấp tiểu học có áp dụng lại cách cho điểm như trước đây hay không? “Ở chương trình giáo dục tổng thể, không thể nói rất cụ thể và chi tiết, cũng còn phải tranh luận về rất nhiều vấn đề có liên quan đến nội dung quan trọng này. Tuy nhiên, ở đây cần có những khẳng định khái quát để cán bộ quản lý giáo dục và các thầy cô giáo hiểu rõ và có thể thực hiện được”, GS-TS Nguyễn Cương đề xuất. Dự thảo cũng nêu coi trọng phương pháp kiểm tra đánh giá, dùng nhiều hình thức đánh giá, đặc biệt là đánh giá về phẩm chất của học sinh, coi trọng hơn phương pháp kiểm tra tự luận. Theo ông Nguyễn Cương, vấn đề này không thể kịp giải quyết khi xây dựng chương trình giáo dục tổng thể, nhưng cần giải quyết khi xây dựng chương trình môn học và sách giáo khoa. 
Còn TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thì cho rằng dự thảo đã đề cập đến mục tiêu, căn cứ và kết quả giáo dục được đánh giá như thế nào, nhưng còn nhiều vấn đề cần làm rõ: “Dự thảo nêu mục tiêu đánh giá là đánh giá về mức độ đạt chuẩn của chương trình, nhưng trong dự thảo không thấy quy định chút nào về chuẩn của chương trình. Căn cứ  đánh giá là dựa vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, nhưng dự thảo thì lại không có quy định nào về các yêu cầu cần đạt này”. Ông Tiến cũng cho rằng, khi chuyển sang giáo dục theo tiếp cận năng lực thì điểm chủ yếu cần đánh giá là quá trình giáo dục. Tuy nhiên,  sự thay đổi phương pháp đánh giá này trong dự thảo rất mờ nhạt, chưa thấy bước chuyển căn bản của phương pháp đánh giá ngày nay trong giáo dục theo tiếp cận năng lực. Vì vậy, cần làm rõ hơn về việc kết hợp 3 phương pháp đánh giá để định hướng cho cả người viết sách giáo khoa lẫn nhà trường, giáo viên khi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục