Làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản, có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Cuối giờ chiều ngày 21-11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Theo đó, Luật quy định Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQ), vì theo quy định của dự thảo Luật Quy hoạch thì quy hoạch này thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia, không có quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản của từng địa phương.

Về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, vì còn ý kiến còn khác nhau nên UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Kết quả, 75,65% ĐBQH đồng ý Quỹ được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh; 20,04% ĐBQH đồng ý với Quỹ chỉ thành lập ở cấp trung ương, không thành lập ở cấp tỉnh.

Về cấp phép cho đối tượng người nước ngoài nuôi trồng thủy sản trên biển, một số ý kiến tán thành cho phép để phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung này trong luật vì đây là vấn đề nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng an ninh. 

UBTVQH đã tiếp thu và xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nên dự thảo Luật đã thể hiện nội dung cấp phép cho đối tượng người nước ngoài nuôi trồng thủy sản trên biển, giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời nêu rõ trước khi quy định, Chính phủ phải báo cáo, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dự thảo luật cũng quy định nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân lên tối đa là 1 tỷ đồng đối với hành vi làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng, cũng như hành vi vi phạm các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Về kiểm ngư, có ý kiến đề nghị chỉ thành lập kiểm ngư trung ương; ý kiến khác đề nghị thành lập kiểm ngư ở cả những tỉnh có sông, hồ lớn; có ý kiến đề nghị thảo Luật chỉ nên quy định chung về lực lượng kiểm ngư, còn hệ thống tổ chức, chế độ chính sách giao cho Chính phủ quy định. 

Sau khi ý kiến của các ĐB, kết quả, 60,14% ĐBQH đồng ý thành lập hệ thống kiểm ngư gồm kiểm ngư trung ương và kiểm ngư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương; giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống kiểm ngư. 

UBTVQH cho rằng, việc quy định hệ thống kiểm ngư như vậy thể hiện được tính linh hoạt trong triển khai thực hiện là không bắt buộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đều phải có kiểm ngư, cũng không nhất thiết phải thành lập ngay. Kiểm ngư được hình thành trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại địa phương, số lượng biên chế sẽ được cân đối trong tổng biên chế của ngành nông nghiệp, do đó bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Tin cùng chuyên mục