Làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn

Với áp lực về giảm diện tích đất chôn lấp và giảm tác động đến môi trường, việc phân loại rác tại nguồn là việc buộc phải sớm thực hiện đối với một thành phố lớn như TPHCM, nơi có lượng rác thải rắn sinh hoạt lên đến hàng ngàn tấn mỗi ngày.
Người dân nhận quà sau mỗi tháng thực hiện phân loại rác tại nguồn
Người dân nhận quà sau mỗi tháng thực hiện phân loại rác tại nguồn
Tăng cường tuyên truyền

Các chuyên gia môi trường cho rằng, muốn chương trình phân loại rác tại nguồn thành công, trước tiên phải chú trọng công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để từng hộ dân phân loại rác ngay tại nhà, sau đó là các bước vận chuyển - xử lý cũng cần được đầu tư đồng bộ.

TPHCM sau một thời gian thí điểm các chương trình phân loại rác tại nguồn ở một số quận, nay đang bắt đầu bước vào giai đoạn nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên phạm vi rộng hơn ở hầu hết các quận, huyện.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày thanh phố thải ra khoảng 7.000 - 8.000 tấn rác thải sinh hoạt và tỷ lệ chất thải tăng trên 10% mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết khối lượng rác thải đều được xử lý bằng công nghệ chôn lấp nên tạo áp lực rất lớn về diện tích đất cần cho chôn lấp, chưa kể những mối nguy về hệ lụy khác ảnh hưởng tới môi trường như các bãi rác phát tán mùi hôi, nước rỉ rác…

Nhìn ở góc độ hiệu quả kinh tế, dễ dàng nhận ra nếu rác thải được phân loại tại nguồn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; giúp tiết giảm đáng kể các chi phí xử lý. Đồng thời, rác thải sau khi được phân loại sẽ giúp việc tái chế dễ dàng để sản xuất phân compost, đốt thu hồi năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

Hiệu quả việc phân loại rác đã rõ, nhưng tại sao các chương trình phân loại rác tại nguồn của TPHCM gần chục năm qua vẫn chỉ dừng ở giai đoạn thí điểm, chưa nhân rộng? Theo các chuyên gia môi trường, để trả lời câu hỏi trên cần bắt đầu từ ý thức người dân. Để người dân ý thức tự giác phân loại rác tại nhà thì quy trình xử lý phải được giải quyết đồng bộ tất cả các khâu, từ phân loại - thu gom - vận chuyển - xử lý. Nghĩa là, nếu một trong các khâu trên “trục trặc”, không được đầu tư thiết bị và vận hành tốt thì công sức thực hiện các khâu còn lại không còn nhiều ý nghĩa. Rác thải cho dù có được phân loại, thiết bị thu gom vận chuyển được trang bị riêng biệt hai ngăn vô cơ - hữu cơ, nhưng khi đến bãi xử lý rác lại đổ dồn lên bãi chôn lấp hết thì mọi nỗ lực thực hiện các quy trình trước đó như “đổ sông, đổ biển”!

Như vậy, việc cần làm ngay chính là tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, không chỉ từng hộ gia đình mà cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị sản xuất… thấy được tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn. Nếu cần thiết, có thêm biện pháp mạnh hơn như lực lượng vệ sinh sẽ từ chối thu gom nếu hộ gia đình nào không chịu phân loại. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng chuyển đổi các trang thiết bị thu gom, lưu chứa rác; đầu tư phương tiện vận chuyển và nhanh chóng đổi mới công nghệ xử lý, tái chế, tận dụng rác sau phân loại. 

Áp dụng công nghệ xử lý rác


Chính quyền TPHCM từng đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại như tái chế, làm compost, đốt phát điện… Muốn vậy, không còn cách nào khác phải nhìn lại toàn bộ quy trình phân loại, thu gom và xử lý chất thải hiện nay để có định hướng đầu tư phù hợp. Chẳng hạn, nếu còn tình trạng chậm chuyển đổi công nghệ xử lý hiện đại tại các khu xử lý chất thải sang đốt phát điện, tái chế hay tạo ra những sản phẩm từ rác thải thì các chương trình phân loại rác cũng không thể phát huy hết hiệu quả.

TPHCM đang nhắm đến mục tiêu trở thành thành phố có chất lượng sống tốt dựa trên 3 nền tảng: môi trường sống tốt, kinh tế bền vững và xã hội tốt đẹp. Môi trường sống tốt bao hàm nhiều tiêu chí như không khí trong lành, nguồn nước sạch, đất sạch, xử lý chất thải hiện đại và triệt để. Như vậy, xử lý chất thải triệt để góp phần cho môi trường sống tốt sẽ không còn là chuyện xa vời nếu mỗi người bắt đầu nâng cao ý thức hơn nữa. Làm tốt khâu phân loại rác thải ngay tại nhà mình là xem như đã đóng góp một phần không nhỏ trong nỗ lực tạo ra môi trường sống trong lành hơn cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục