Làm việc nhiều nơi cùng lúc thì ký hợp đồng thế nào?

Người lao động đồng thời có từ 2 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ.

- TIỂU TRANG (tieutrang@gmail.com): Tôi đang làm hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn tại một đơn vị sự nghiệp; ngoài giờ làm việc, tôi nhận làm báo cáo thuế cho một công ty TNHH. Vậy tiền lương làm ngoài giờ của tôi có bắt buộc phải cao hơn mức lương tối thiểu hay không, có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không? Tôi nên ký hợp đồng làm báo cáo thuế này là loại hợp đồng gì?

>> Ông NGUYỄN TẤT NĂM, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐTB-XH TPHCM): Người lao động có thể giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết, việc tham gia BHXH, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Có 3 loại HĐLĐ: 

- Không xác định thời hạn; 

- Xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng; 

- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên.

Tiền lương ghi trong HĐLĐ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh (nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng); phụ cấp lương; các khoản bổ sung khác. Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Người lao động đồng thời có từ 2 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ. Với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hàng năm theo quy định.

Dựa vào các quy định trên, người sử dụng lao động và người lao động căn cứ vào tính chất công việc để thực hiện giao kết HĐLĐ cho phù hợp. Trường hợp hai bên thực hiện giao kết HĐLĐ theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định 05/2015. Ngoài ra, đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ lương của bạn một khoản tiền tương đương.

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết HĐLĐ, mức lương ghi trên HĐLĐ phải theo mức lương theo thời gian làm việc bình thường theo quy định nêu trên. Căn cứ vào mức lương tính theo thời gian làm việc bình thường, hai bên sẽ xác định mức lương của thời gian làm việc thực tế để trả cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục