Lần đầu tiên đưa chuyên đề Giáo dục văn hóa vào trường phổ thông

Sáng 8-7, tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã diễn ra hội thảo góp ý xây dựng chương trình chuyên đề Giáo dục văn hóa cho học sinh các trường trung học phổ thông tại TPHCM.

Phát biểu tại buổi góp ý, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, trước thực tế văn hóa ngoại lai đang ngày càng xâm nhập sâu rộng vào một bộ phận giới trẻ ở nhiều lĩnh vực như ẩm thực, thời trang, văn hóa và ngôn ngữ, Trường THPT Nguyễn Du đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM xây dựng chương trình chuyên đề Giáo dục văn hóa nhằm đưa vào giảng dạy ở bậc THPT.

Môn học nhằm mục đích cung cấp cho học sinh kiến thức về các giá trị cũng như quy tắc văn hóa truyền thống lẫn hiện đại, phân tích và đánh giá được giá trị, vai trò của văn hóa trong đời sống hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho các em thực tập xử lý những tình huống liên quan đến chuẩn mực văn hóa, giúp học sinh có thể vận dụng đúng đắn, hiệu quả kiến thức về văn hóa vào đời sống cá nhân và xã hội. Ngoài các mục tiêu bổ sung kiến thức, chuyên đề còn nhằm xây dựng cho học sinh các kỹ năng tự học và quản lý bản thân; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề; kỹ năng hợp tác.

ThS. Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 vào năm học 2020-2021. Theo kế hoạch, chương trình sẽ chính thức áp dụng ở bậc THPT, cụ thể là lớp 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó, ngoài các môn học thuộc chương trình giáo dục bắt buộc, chương trình còn có thêm các nội dung giáo dục địa phương và chuyên đề tự chọn. Điều này đặt ra thử thách mới đối với việc xây dựng chương trình giảng dạy ở các trường THPT.

Lần đầu tiên đưa chuyên đề Giáo dục văn hóa vào trường phổ thông ảnh 1 Các chuyên gia giáo dục cùng trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng chuyên đề  

Thông tin thêm tại buổi hội thảo, PGS.TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, chương trình chuyên đề Giáo dục văn hóa do 3 tổ bộ môn gồm Giáo dục học, Tâm lý học và Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm phối hợp với các giáo viên Trường THPT Nguyễn Du xây dựng và hoàn thiện. Chuyên đề gồm hai phần, mỗi phần có dung lượng 70 tiết, phân bổ trong 35 tuần của năm học dành cho đối tượng học sinh lớp 10 và 11. 

Lần đầu tiên đưa chuyên đề Giáo dục văn hóa vào trường phổ thông ảnh 2 Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia đóng góp ý kiến về chuyên đề 

Trong đó, phần 1 gồm các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống và phần 2 giáo dục văn hóa hiện đại. Ở phần 1 giáo dục về văn hóa truyền thống, chuyên đề xoay quanh các chủ đề văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, tín ngưỡng và phong tục, văn hóa lễ hội, văn hóa giao tiếp và ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, văn hóa thưởng thức nghệ thuật dân tộc.

Riêng phần 2 về văn hóa hiện đại, học sinh sẽ được hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử trên mạng Internet, cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, văn hóa giao thông, trang phục, ứng xử với môi trường, ứng xử với bản thân và văn hóa thưởng thức nghệ thuật đương đại.

Trong tất cả môn học, chỉ có 40% thời lượng lên lớp dành cho việc cung cấp kiến thức, còn lại 60% thời gian nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực hành. Kết quả học tập được đánh giá dựa trên kết quả kiểm tra trắc nghiệm kiến thức và chấm điểm thực hành, vận dụng thông qua các hình thức đánh giá sản phẩm, quan sát, phỏng vấn…

Lần đầu tiên đưa chuyên đề Giáo dục văn hóa vào trường phổ thông ảnh 3 Buổi lễ ra mắt chuyên đề nhận được nhiều ý kiến tán thành, ủng hộ môn học của phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM

Sau khi triển khai thí điểm tại Trường THPT Nguyễn Du, những người tổ chức hi vọng chuyên đề sẽ có sức lan tỏa ra nhiều trường THPT khác trên địa bàn TP. 

Tin cùng chuyên mục