Lan mokara cho thu nhập khá

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng lan, anh Tùng đã tự tin khẳng định đây là một trong những cây trồng giúp nông dân có thu nhập khá và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị của TP hiện nay.
Lan mokara
Lan mokara

“Trước đây mảnh vườn 8.000m² của gia đình tôi chủ yếu là trồng cây điều, nhưng qua nhiều năm thu nhập không cao. Năm 2006, hưởng ứng chính sách của TPHCM về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tôi mạnh dạn chuyển đổi 4.000m² diện tích trồng điều sang trồng lan cắt cành mokara, phần diện tích còn lại tôi trồng bưởi và cao su. Qua thời gian trồng lan, tôi thấy mô hình này cho thu nhập khá, giúp nâng cao đời sống kinh tế của gia đình”. Đó là lời chia sẻ chân thành của anh Tô Cẩm Tùng (ngụ ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM). 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng lan, anh Tùng đã tự tin khẳng định đây là một trong những cây trồng giúp nông dân có thu nhập khá và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị của TP hiện nay. Nhưng để đạt được thành công từ nghề này, đòi hỏi người trồng phải cần cù, siêng năng, chịu khó học hỏi, phải biết chăm sóc, theo dõi tốt mô hình. Bản thân anh Tùng, thời gian đầu tìm đến cây lan cũng gặp không ít khó khăn, anh kể: “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, tôi chỉ trồng 2.000 cây giống để vừa trồng vừa học hỏi. Lúc đó, mỗi khi Trạm khuyến nông huyện, Hội Nông dân địa phương tổ chức các lớp tập huấn, học tập, hội thảo về chuyên đề trồng lan, tôi đều tham gia. Vì thông qua những buổi tập huấn, học tập như vậy sẽ giúp mình có cơ hội trao dồi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước, qua đó rút kinh nghiệm để áp dụng cho mô hình vườn lan của mình đạt hiệu quả cao”.

Sự ham học hỏi ấy đã giúp anh Tùng từng bước thành công với mô hình. Năm 2012, anh Tùng được cơ quan khuyến nông hỗ trợ 650 cây giống lan mokara cắt cành để thực hiện mô hình trình diễn và ngày càng mở rộng hơn. Hiện nay, vườn lan của anh có gần 20.000 cây lớn nhỏ khác nhau. Mỗi tuần anh cắt bán 2 lần, mỗi lần khoảng 500 cành, với giá dao động 4.000 - 8.000 đồng/cành; sau khi trừ chi phí, anh thu nhập khoảng 18 - 20 triệu đồng/tháng.

Đề cập đến thành quả của mình, anh Tùng chia sẻ: “Có được nguồn thu nhập ổn định trên, tôi sửa sang nhà cửa và cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng không dừng lại ở đây, tôi sẽ nhân rộng mô hình bằng cách sử dụng hết diện tích 4.000m2 còn lại của gia đình để trồng lan. Hiện vườn nhà đã có cây giống, cứ luân phiên như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình. Ngoài ra, nếu ai có nhu cầu học tập, tôi sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

Tin cùng chuyên mục