Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết

Bánh thuẫn là bánh đặc sản truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, không thể thiếu trong các dịp Tết cổ truyền, cúng gia tiên,… Ngay từ giữa tháng chạp âm lịch, nhiều hộ làm bánh của làng đúc bánh thuẫn đã tất bật từ mờ sớm đến đêm khuya để kịp phục vụ tết.
Làng đúc bánh thuẫn tất bật từ sáng sớm đến tối muộn ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Làng đúc bánh thuẫn tất bật từ sáng sớm đến tối muộn ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Chỉ mới bước chân vào làng xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, người đi đường có thể nhận thấy mùi thơm của các lò làm bánh thuẫn. Từ khắp đầu làng cuối xóm, không khí luôn tất bật để nhanh chóng cho ra lò những mẻ bánh thuẫn phục vụ tết.

Gắn bó hơn nửa đời người, chị Trần Thị Nguyệt, xã Đức Thạnh, có hơn 20 năm “thâm niên” trong nghề đúc bánh thuẫn. Bắt đầu từ ngày 15-1 (tức mùng 10 tháng chạp), chị Nguyệt đã “khai lò” đúc bánh. Công việc bắt đầu từ 2 giờ sáng kéo dài đến tối muộn.

Chị Nguyệt cho biết: “Nghề làm bánh thuẫn có từ lâu đời, ông bà cha mẹ truyền lại, gia đình tôi vẫn giữ nghề làm truyền thống bằng thủ công sử dụng lò củi than đốt để làm chín bánh”.

Chị Nguyệt mua đủ nguyên liệu trứng gà, bột, đường trắng, nếu muốn bánh thuẫn có mùi vị độc lạ hơn có thể cho thêm gừng, mè, dừa…

Trước tiên, đánh nhuyễn trứng và bột với nhau bằng máy xay bột và cho đường trắng vừa đủ, để bánh không quá ngọt cũng không quá nhạt, người ăn bánh thuẫn không ngấy.

Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 1 Đổ hỗn hợp vào khuôn
 
Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 2 Bánh đã phồng lên. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tiếp theo, bắt lò than nhỏ, đưa khuôn bánh (bằng đồng, đường kính 25-35mm, phía trong chia thành nhiều ô) lên lò cho nóng rồi dùng dầu xoa một lớp mỏng để “chống dính”, sau đó đổ hỗn hợp đã đánh vào từng khuôn.

“Chỉ được đổ vừa khuôn bánh để cho các bánh đều nhau, không có cái lớn quá, nhỏ quá. Nướng bánh từ 10 đến 15 phút là bánh phồng lên, sau đó đưa lên hong lửa”, chị Nguyệt nói.

Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 3 Sắp xếp những chiếc bánh thuẫn lên nia lớn để hong khô bánh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong khi một người đúc bánh thì người khác phụ việc sắp xếp bánh trên các lò than đã chuẩn bị sẵn. Điều thú vị là các lò than được bao bọc bằng nia tròn bằng tre lớn, như vậy sẽ giữ được than trong lò không nguội nhanh, vừa ấm bánh. Kỹ thuật thủ công này kéo dài đến 6 tiếng để bánh thuẫn đủ độ cứng.

Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 4
Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 5 Bánh có màu vàng đẹp mắt, thơm ngon. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Nguyễn Thị Hùng, xã Đức Thạnh, từng một thời làm nghề đúc bánh thuẫn kể: “Ngày xưa cả làng Đức Thạnh nhà nào cũng đúc bánh thuẫn, sau này có công nghệ và nhiều loại bánh nên trong làng chỉ còn chục hộ làm nghề này. Tôi nhớ thời ấy dù không có máy đánh trứng bằng điện như bây giờ, dân làng đến tết phải đánh trứng bằng tay, đánh cả ngày mới đủ số lượng cần làm bánh mà vẫn kiên trì với nghề”.

Bà Hùng cho biết, bánh thuẫn đạt chuẩn là bánh có màu vàng ươm phía dưới, còn phía trên bánh có hình cánh hoa màu vàng nhạt và bánh phải có mùi thơm. Hoa bánh càng đều cánh thì càng đẹp.

Ngày nay, mặc dù có nhiều loại bánh công nghiệp nhưng bánh thuẫn vẫn chiếm vị thế trong lòng người dân Quảng Ngãi, bánh thuẫn không thể thiếu trong ngày Tết, bàn thờ gia tiên…

Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 6

Bà Trần Thị Kim Việt, xã Đức Thạnh, về hưu cũng phụ gia đình đúc bánh thuẫn. Bà nói: “Bình quân mỗi ngày làm 15kg bánh thuẫn. Nhiều nhà làm sớm hơn, số lượng có thể tăng lên 7.000-8.000 cái bánh/ngày. Người đúc bánh phải luôn tay và ngồi suốt bên lò than”.

Làng đúc bánh thuẫn Quảng Ngãi vào tết ảnh 7 Bánh thuẫn đóng gói lớn để vận chuyển đến cửa hàng, chợ trên khắp các tỉnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ngày nay, đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng, người làm bánh thuẫn, ngoài loại bánh cứng thì còn đúc loại bánh thuẫn mềm dễ ăn. Nghe hương vị bánh thuẫn trong làng, gợi nhớ không khí tết xưa của người Việt.

Tin cùng chuyên mục