Trung tâm giới thiệu việc làm không phép: Tràn lan, thiếu kiểm soát

Trung tâm... lừa
Trung tâm giới thiệu việc làm không phép: Tràn lan, thiếu kiểm soát

Nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của người lao động, sinh viên, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm đã lợi dụng để trục lợi bất chính. Chỉ với một mặt bằng nho nhỏ, vài bộ bàn ghế, điện thoại cùng với tấm bảng ghi thông tin việc làm… họ có thể ngang nhiên “móc túi” người lao động. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chưa dẹp bỏ các trung tâm giới thiệu việc làm hoạt động trái phép?

Nhộn nhịp “phố việc làm” trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Ảnh: H.Thu

Nhộn nhịp “phố việc làm” trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Ảnh: H.Thu

Trung tâm... lừa

Trong vai một sinh viên đang cần việc làm thêm, chúng tôi vào trung tâm giới thiệu việc làm B.M trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TPHCM). Diện tích khoảng 15m² nhưng trung tâm có đến 5 cái bàn dùng để “tư vấn” và có rất nhiều người liên tục ra vào.

Một nhân viên giở cuốn tập học sinh ra luôn miệng giới thiệu hàng loạt công việc mà không cần quan tâm đến năng lực bản thân của người đối diện. Cuối cùng tôi cũng chọn cho mình công việc phục vụ quán cà phê với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng. Cô nhân viên yêu cầu tôi đóng 100.000 đồng phí giới thiệu. “Nếu đến đó họ không nhận thì sao, có mất phí không?”, tôi thắc mắc.

Cô khẳng định chắc nịch: “Nếu không ưng ý thì quay về đây trung tâm sẽ giới thiệu việc khác. Nếu không được nữa thì sẽ hoàn lại 70% số tiền đã đóng”. Lấy lý do không mang đủ tiền, chúng tôi hẹn hôm sau sẽ ghé lại.

Đến trung tâm giới thiệu việc làm P.V cách đó không xa cũng có 2 cái bàn, chiếc điện thoại cùng 2 cô nhân viên đon đả: “Tìm việc hả em, trung tâm chị nhiều việc lắm. Phụ quán cà phê, hay phụ nhà hàng nha, mấy việc này phù hợp với tụi em đó”. Không để tôi kịp trả lời, cô nhanh nhảu bảo tôi phụ việc cho một quán ăn. “Em là sinh viên, chị thu 70.000 đồng thôi, nếu đến đó không được thì chị giới thiệu cho việc khác”. Tôi rút 70.000 đồng để đóng “phí”.

Cầm trên tay tờ giấy giới thiệu, đến một quán trên đường Lê Hồng Phong, quận 5, chủ quán nói đã tuyển đủ người từ lâu rồi. Họ cũng không nhờ trung tâm giới thiệu việc làm nào, chỉ đăng trên báo cách đây nửa năm. Ngày hôm sau khi chúng tôi quay lại, thông báo tình hình thì cô nhân viên “trở mặt”, trả cho tôi 40.000 đồng và hẹn chiều mai đến lấy 30.000 đồng còn lại vì “cô giữ tiền đi vắng”…

Không riêng khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Trần Văn Đang (quận 3), Tỉnh lộ 10 (Bình Tân) các trung tâm giới thiệu việc làm dạng trên xuất hiện ở nhiều nơi. Đó là dạng trung tâm, rộng từ 10-20m² với vài ba bộ bàn ghế kê sơ sài. Mặt tiền có mấy tấm bảng ghi thông tin về việc làm như: cần tài xế lương trên 3 triệu đồng/tháng; nhân viên văn phòng lương 2 triệu đồng/tháng; bán hàng bán thời gian lương 1,3 triệu đồng/tháng. Thậm chí có văn phòng lồng luôn 2 bảng hiệu, vừa là trung tâm GTVL, vừa là quán cơm.

Trách nhiệm của ai?

Hiện nay, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm thường không nắm thông tin về năng lực của người lao động, nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như những điều kiện cụ thể của công việc.

Trên thực tế, cũng chẳng có mấy doanh nghiệp nhờ các trung tâm giới thiệu việc làm dạng này tuyển dụng nhân sự. Các thông tin tuyển dụng mà các trung tâm có chủ yếu là sao chép trên mạng, trên báo. Sau đó, cung cấp thông tin cho người lao động và… thu phí. Nếu người lao động được tuyển, họ ẵm trọn tiền lệ phí; nếu người lao động nhiều lần không xin được việc thì cũng chỉ được hoàn lại 50%-70% lệ phí, nhưng không phải dễ lấy lại được.

Một cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM khi được hỏi về việc quản lý các trung tâm giới thiệu việc làm này cho biết, trách nhiệm chính thuộc về UBND các quận, huyện. Nhưng hiện nay, các quận huyện quản lý các trung tâm còn lỏng lẻo, hầu như không nắm rõ, cũng như không thường xuyên kiểm tra. Dư luận đặt câu hỏi vì sao các trung tâm giới thiệu việc làm lừa người lao động như vậy vẫn mọc lên?

Về điều kiện của một trung tâm giới thiệu việc làm, tại Thông tư 20 của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội ban hành ngày 22-6-2005 nêu rõ: Điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm phải có địa điểm và trụ sở làm việc ổn định từ 36 tháng trở lên. Đảm bảo bố trí đủ các phòng tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động, có trang bị máy vi tính, điện thoại, máy fax, email, các tài liệu liên quan đến thị trường lao động và các trang thiết bị khác phục vụ khách hàng; phải có ít nhất 300 triệu đồng ký quỹ tại ngân hàng và có ít nhất 5 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ. Mỗi chuyên ngành phải có ít nhất 1 người, người được tuyển dụng vào doanh nghiệp phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Với quy định trên, người lao động có thể xác định được những trung tâm giới thiệu việc làm dỏm, nhằm tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

Xuân Lâm – Ngọc Thìn

Tin cùng chuyên mục