Sinh viên đi xin việc - Thiếu trang bị kỹ năng mềm

Chấp nhận làm trái ngành
Sinh viên đi xin việc - Thiếu trang bị kỹ năng mềm

Tháng 8 là thời điểm sinh viên vừa tốt nghiệp tất bật đi tìm việc. Nhưng theo khảo sát mới đây, khoảng 50% sinh viên ra trường làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo đã gây lãng phí không nhỏ cho xã hội. Phải chăng do chất lượng đào tạo hay sinh viên thiếu định hướng khi chọn ngành học?

Các sinh viên tìm hiểu thông tin từ nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Các sinh viên tìm hiểu thông tin từ nhà tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Chấp nhận làm trái ngành

Tốt nghiệp chuyên ngành điện - điện tử một trường dân lập, ngành đang “nóng” hiện nay, nhưng cả năm nay, bạn Nguyễn Văn Tân vẫn loay hoay với những bộ hồ sơ xin việc. Để tiếp tục bám trụ tại TPHCM, Tân đã làm rất nhiều việc như tiếp thị bán hàng, tư vấn bảo hiểm, đi theo nhóm thợ lắp đặt máy lạnh, giao hàng cho siêu thị điện máy… “Mặc dù thu nhập cũng khá, nhưng em vẫn thích được làm đúng chuyên môn đã được đào tạo. Tuy nhiên cầm hồ sơ đến chỗ nào cũng bị trả lại với lý do không nhận bằng kỹ sư hệ dân lập, loại trung bình khá (?!). Tréo ngoe nhất là đòi hỏi 2 năm kinh nghiệm, trong khi tụi em mới tốt nghiệp ra trường”, Tân giãi bày.

Cũng như Tân, tốt nghiệp ngành tâm lý học năm 2010, nhưng đến nay Nguyễn Thị Mai vẫn chưa thể kiếm được cho mình một công việc ổn định, đúng chuyên ngành. Mai cho biết, em cũng đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng nơi ưng ý thì không nhận, nơi nhận thì lương quá thấp. “Học đại học ra với mức lương 2 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp, phải thử việc, yêu cầu kinh nghiệm trong lúc đi làm nhân viên bán hàng không đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm, lương đã gần 4 triệu đồng/tháng, nên em chấp nhận làm trái ngành. Không chỉ em, trên 50% bạn học cùng lớp cũng chấp nhận làm việc trái ngành học”, Mai cho biết.

May mắn hơn, Nguyễn Xuân Đức, sinh viên ngành kỹ thuật, với thành tích học tập loại giỏi được một công ty nhận việc đúng với chuyên ngành được đào tạo. Tuy nhiên, khi vào làm việc mới nhận ra khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tiễn. “Mặc dù là sinh viên giỏi nhưng khi tiếp cận thực tế mới thấy những thiết bị mình học trong trường quá lạc hậu. Chương trình đào tạo của trường chỉ chung chung và thời gian đi thực tập còn ít nên nếu đơn vị tuyển dụng không đào tạo lại thì bó tay”, Đức bày tỏ.

Cần trang bị thêm kỹ năng mềm

Ngoài các nguyên nhân như đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế, chất lượng đào tạo có vấn đề thì việc sinh viên thiếu các kiến thức mềm, thiếu định hướng khi chọn ngành và sau khi ra trường chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhiều ý kiến cho rằng, để sinh viên tốt nghiệp có được việc làm đúng chuyên ngành, nhà trường cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề, kiến thức thực tiễn, trình độ ngoại ngữ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, mỗi năm TPHCM có trên 60.000 sinh viên ra trường nhưng chỉ khoảng 80% trong số đó có được việc làm.

Trong số sinh viên có việc làm, có 50% làm trái ngành nghề đã được đào tạo, việc làm không ổn định, dẫn đến lãng phí không nhỏ cho xã hội. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh sự gắn kết giữa nhà trường, nhà tuyển dụng, chính bản thân sinh viên phải nắm được năng lực của mình và nhu cầu thực tế của xã hội để lựa chọn ngành học thích hợp. Để làm được điều này ngành giáo dục và gia đình cần sớm định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho con em ngay từ bậc phổ thông.

Mặt khác, sinh viên ra trường cần trang bị kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm thành phố chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc Dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng quản trị viên, Công ty CP Le&Associates cũng cho rằng, đa số sinh viên khi ra trường đều không định hướng được sự nghiệp sau này. Chính vì thế, sau một thời gian dài họ mới nhận ra công việc nào phù hợp với mình. Mặt khác, ngoài kiến thức chuyên môn trong trường, hiện nay kỹ năng xin việc, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ… của sinh viên mới ra trường cũng còn yếu.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục