Tăng đối thoại, giảm tranh chấp lao động

Từ ngày 1-1 đến 12-3, trên địa bàn TPHCM xảy ra 47 vụ tranh chấp lao động tập thể. Do vậy, việc xây dựng cơ chế đối thoại hợp lý cùng với các chính sách chăm lo phù hợp sẽ hóa giải kịp thời bức xúc của người lao động, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định.

(SGGP).- Từ ngày 1-1 đến 12-3, trên địa bàn TPHCM xảy ra 47 vụ tranh chấp lao động tập thể. Do vậy, việc xây dựng cơ chế đối thoại hợp lý cùng với các chính sách chăm lo phù hợp sẽ hóa giải kịp thời bức xúc của người lao động, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định.

Vấn đề này được đặt ra tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì cuộc họp.

Theo kết quả khảo sát về mối quan hệ giữa chủ DN và công đoàn cơ sở trong DN có vốn đầu tư nước ngoài (thực hiện với 8 DN trong KCX-KCN TP), cho thấy, 14,3% chủ DN không trao đổi với công đoàn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; 23,1% chủ DN vi phạm các quy định đối với CNLĐ nhưng công đoàn không có ý kiến; 83,3% chủ DN và 30% BCH công đoàn chưa được tập huấn về kỹ năng thương lượng, hòa giải với công đoàn và NLĐ; 20,8% BCH công đoàn chưa chủ động đề xuất cơ chế đối thoại giữa công đoàn và chủ DN…

Bên cạnh đó, 26,7% công nhân không biết có bao nhiêu bậc lương; 21,1% công nhân không biết có việc ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); 37,1% công nhân không được đóng góp ý kiến về nội dung TƯLĐTT; khi TƯLĐTT có hiệu lực, 24,7% chủ DN chưa thông báo công khai cho NLĐ biết…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu các đơn vị tăng cường đối thoại, đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn về nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng để ký kết TƯLĐTT. Riêng nợ BHXH của gần 20.000 DN, đồng chí yêu cầu các đơn vị nhanh chóng có giải pháp xử lý nợ đọng; cần tăng cường phối hợp, giám sát chặt chẽ việc đóng BHXH của  DN.

H.Hiệp

Tin cùng chuyên mục