Năng suất lao động - chuyện con gà và quả trứng

Tại rất nhiều diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đã đưa ra khuyến cáo: Lợi thế quan trọng của Việt Nam bấy lâu nay là tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công giá rẻ đang dần dần mất đi. Ngược lại, năng suất lao động mới chính là đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó, theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh, từ năm 2011 đến nay, các chỉ số lao động - việc làm của Việt Nam chỉ ra rằng, nguồn nhân lực và năng suất lao động đã và đang đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất lao động (nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu) thường cao hơn rất nhiều so với đóng góp của số lượng lao động (nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng). Một mặt, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động thường xuyên cao hơn tốc độ tăng của lực lượng lao động sử dụng. Mặt khác, dù tỷ lệ đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2006-2012 có xu hướng giảm khá nhanh (từ 60,2% năm 2005 xuống còn 47,7% năm 2012), nhưng riêng hai năm 2013-2014 đã tăng rất mạnh trở lại, lên tới 73,9% và 80% tức là gấp 3-4 lần mức đóng góp của nhân tố số lượng lao động.

Còn nhớ hồi cuối năm 2014, những so sánh về năng suất lao động của Việt Nam với thế giới và trong khu vực đã khiến công luận không khỏi lo ngại. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam ở vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chỉ bằng 1/15 của Singapore. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, thu nhập của người lao động Việt Nam cũng duy trì ở mức thấp. Thời kỳ 2010-2014, trái với xu thế tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm, đạt 4,362 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nữ thấp hơn của lao động nam và khoảng cách chênh lệch tiền lương của nữ/nam có xu hướng gia tăng (từ 91,2% năm 2010 so với 90,5% năm 2014).

Xét theo khu vực, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nông thôn thấp hơn của thành thị, tuy khoảng cách đã được cải thiện (từ 66% năm 2010 lên 73,2% năm 2014). Còn theo nghề, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất (3 triệu đồng/lao động/tháng). Thu nhập bình quân quý 4 năm 2014 của nhóm “lãnh đạo” là cao nhất - gần 7 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 2,33 lần lao động giản đơn; tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” (6,38 triệu đồng/lao động/tháng), bằng 2,15 lần nhóm “lao động giản đơn” (3 triệu đồng)... Tỷ lệ lao động có thu nhập thấp đặc biệt cao ở nhóm không có chuyên môn kỹ thuật (82,2%); nghề “lao động giản đơn” (43,2%); nhóm lao động trẻ (26,3% ở nhóm 25-34 tuổi và 23,9% ở nhóm 15-24 tuổi).

Hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên, năng suất lao động thấp thì thu nhập không thể cao, nền kinh tế không thể phát triển. Và một khi nền kinh tế không phát triển, vẫn sử dụng số nhiều lao động (mà không phải lấy chất làm trọng) thì thu nhập tất nhiên không thể cao... Theo ông Bùi Trinh, nếu tốc độ tăng trưởng lao động đang làm việc trong nền kinh tế chỉ còn khoảng 1,2% trong 2 năm 2013-2014 là chính xác, thì điều này chứng tỏ từ năm 2013, đặc biệt năm 2014, bước đầu đã có phục hồi về chất lượng tăng trưởng; đồng thời năng suất lại trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định quá trình tăng trưởng, mặc dù chưa thực sự mạnh mẽ và ổn định.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục