Đang có “cuộc chiến ngầm” giữa các thế hệ người lao động Việt Nam

(SGGPO).- Ngày 22-3, tại TPHCM, Anphabe, đơn vị sở hữu mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý lớn nhất Việt Nam, đã công bố khảo sát 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Trong buổi công bố, gần 500 CEO và giám đốc nhân sự các doanh nghiệp ở Việt Nam đã cùng bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp gỡ rối về vấn đề quản lý nguồn nhân lực có đến 4 thế hệ.

Vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam là chương trình thường niên được tổ chức từ 4 năm nay, nhằm giúp người lao động biết được những nơi làm việc có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt ở Việt Nam. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chú trọng hơn đến xây dựng môi trường làm việc, quan tâm chăm lo người lao động để thu hút, giữ chân lao động giỏi.

Năm nay, qua ghi nhận ý kiến từ hơn 26.000 người lao động ở 24 ngành nghề, Unilever tiếp tục được chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp. Trong từng lĩnh vực, Prudential Vietnam là nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm; Mercedes-Benz Vietnam là nơi làm việc tốt nhất ngành ô tô; lĩnh vực dược-công nghệ sinh học- chăm sóc sức khỏe là Abbott; công nghệ thông tin là Viettel.

Trong khi đó, Vinamilk là nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất về lương, thưởng, phúc lợi; Unilever hấp dẫn nhất về cơ hội phát triển và lãnh đạo-quản lý; về văn hóa – môi trường làm việc, dẫn đầu là Intel VN và Nestle là nơi hấp dẫn nhất về chất lượng công việc cuộc sống và danh tiếng công ty.

Các CEO bàn giải pháp giúp doanh nghiệp hóa giải khoảng cách giữa các thế hệ người lao động

Trong buổi công bố, một vấn đề mà các CEO và giám đốc nhân sự các công ty lo ngại là hội chứng chia rẽ, phân tách giữa các thế hệ người lao động. Hiện nay, phần lớn các công ty đang có 3 thế hệ làm việc song song: baby boomer (BB, sinh ra trong giai đoạn 1950-1969), thế hệ X (1970-1985), thế hệ Y (1986-2000) và chuẩn bị đón thế hệ Z (từ 2001 trở đi).

Trong đó, người lao động thế hệ X, Y là 2 nhóm lao động chủ đạo và thế hệ Y sẽ sớm vượt lên dẫn đầu về số lượng và cấp quản lý trong một vài năm tới. Tuy nhiên, với quá trình trưởng thành khác biệt, những người trẻ ở thế hệ Y có nhiều điểm khác biệt về cách nghĩ, cách làm so với các thế hệ đi trước.

Khoảng cách giữa các thế hệ người lao động đang và sẽ tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Có 85% doanh nghiệp thừa nhận rằng, công ty của họ đang diễn ra “cuộc chiến ngầm” giữa các thế hệ, đặc biệt khi thế hệ Z sắp gia nhập nguồn nhân lực. Đáng báo động, có tới 41% lao động trẻ thế hệ Y đang không cảm thấy hạnh phúc (gắn kết cả tình cảm và lý trí với doanh nghiệp) trong công việc. Có tới 97% doanh nghiệp nghĩ rằng trong 3-4 năm tới, ngày càng khó để gắn kết và làm hài lòng nguồn nhân lực trẻ. Tốc độ về hưu 620.000 người/năm là những người ở thế hệ BB, cũng đang tạo ra lỗ hổng lớn cho doanh nghiệp nếu không kịp thời đào tạo lao động bổ sung.

      ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục