Lắp đặt hệ thống bơm thông minh chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Lãnh đạo TPHCM làm việc với doanh nghiệp thiết kế máy bơm thông minh tìm giải pháp chống ngập hiệu quả cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Vốn đầu tư cho hệ thống này khoảng 88 tỷ đồng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu. Ảnh: Quốc Hùng
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu. Ảnh: Quốc Hùng

Ngày 24-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cùng đại diện các sở ngành đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung về dự án lắp thử nghiệm hệ thống bơm thông minh chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Lắp đặt hệ thống bơm thông minh chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh ảnh 1 Mưa lớn, ngập, kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh chiều 21-6-2017. Ảnh: Quốc Hùng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung Nguyễn Tăng Cường cho biết, để giải quyết ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cần sử dụng hệ thống bơm thông minh (bơm thiết kế riêng).

Hệ thống bơm vừa bơm nước vừa lọc tách rác tự động, bơm được tất cả khu vực môi trường khắc nghiệt như triều cường dâng cao, trong cống có nhiều tạp chất đất đá, cây… đều bơm được theo các chế độ tự động hóa cao.

Hệ thống chống ngập của công ty thiết kế bằng máy bơm ly tâm có thể hút nước với công suất từ 27 đến 96.000 m3/giờ, hoạt động bằng dầu hoặc điện.

Máy bơm hút nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn của TP. Với tổng mức đầu tư trọng gói gần 88 tỷ đồng (lắp đặt máy bơm, nhà điều hành, nhân công vận hành…).

Đơn vị này “cam kết” hết ngập mới lấy tiền, còn không doanh nghiệp sẽ tự chịu chi phí. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được TP cho lắp đặt thử nghiệm.

Xe hơi không dám đi vì đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu trong cơn mưa chiều 21-6-2017. Ảnh: Quốc Hùng
Về việc này, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của dự án, Sở đã tổ chức lấy kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và hầu hết ý kiến đều cho rằng, không nghi ngờ gì về khả năng bơm nước của thiết bị.

Tuy nhiên, ngập khu vực trên là do hệ thống thoát nước hư hỏng nhiều nơi, đường lún khiến cống bị đứt gãy cống chênh nhau 0,5m so với mực nước triều.

Vì vậy các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần phải khảo sát, chứng minh lưu lượng nước trong hệ thống cống có đáp ứng được cho hệ thống máy bơm hay không, xác định vị trí đặt máy, tác động môi trường, cơ chế vận hành, việc đầu tư xây dựng phải theo văn bản pháp luật quy định chứ không phải nói là làm được ngay. Nghĩa là phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau khi hoàn thành mới thanh toán được.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường giải pháp căn cơ là nâng cấp đường và xây dựng mới hệ thống thoát nước.

Hiện Sở GTVT TP giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) nhằm giải quyết chống ngập nước trên đường này.

Đây là dự án nằm trong chương trình giảm ùn tắc giao thông ưu tiên được thực hiện trong giai đoạn năm 2017-2018 có tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu. Ảnh: Quốc Hùng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, trước đó, đoàn công tác của TP do đại diện Sở GTVT TP làm trưởng đoàn cùng các sở, ngành đã đi tham quan máy bơm chống ngập của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung nghiên cứu tại nhà máy ở Quảng Ninh.

Đại diện đoàn công tác, Sở GTVT TP đánh giá, không nghi ngờ gì về khả năng bơm nước của thiết bị. Tuy nhiên, để thực hiện thử nghiệm nhưng cũng phải đánh giá lại nếu máy bơm bơm mạnh quá hệ thống cống có chịu nổi không, cống có hư không, nước trong cống có đủ để bơm không…

Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu các sở ngành phối hợp khẩn trương nghiên cứu hệ thống cống, lưu lượng nước, vị trí đặt máy bơm trong vòng 10 ngày báo cáo UBND TP quyết định.

Kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: TP không băn khoăn cái bơm mà là hệ thống cống có đảm bảo không, trong thời gian ngắn có sửa được đường cống để bơm không, nếu bơm giữa chừng nó hư thì có bơm thay thế không…Mọi vấn đề liên quan phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu thì mới triển khai được.

Tuy nhiên, vào thời điểm này mà TPHCM bỏ ra 88 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống bơm này là rất khó khả thi. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, để phát huy tốt máy bơm này thì đơn vị sản xuất nên phối hợp các cơ quan liên quan soạn thảo hợp đồng cho thuê dịch vụ. Cho thuê thì giá cả như thế nào, cần phải có khung giá rõ ràng, hợp lý.

Tin cùng chuyên mục