Lắp thang trong động Sơn Đoòng là tác động đến yếu tố gốc của di sản

Trước thông tin về việc lắp thang, khoan lỗ để thử nghiệm du lịch động Sơn Đoòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn số 2699/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Quảng Bình, nói rõ việc làm này đã ảnh hưởng tới yếu tố gốc của di sản.

Công văn do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên ký nêu rõ, sau khi xem xét Công văn số 998/UBND-VX ngày 9-6-2017 của UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tuyến du lịch khám phá hang Sơn Đoòng theo lộ trình mới, Bộ VH-TT-DL có ý kiến như sau:

Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (năm 2009) quy định: “… Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.”.

Văn bản của Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh: Việc lắp đặt thang, khoan lỗ giữ thang và móc dây bảo hiểm, để du khách đi qua trên bề mặt lớp nhũ tràn nhằm khai thác thử nghiệm tuyến du lịch hang Sơn Đoòng theo lộ trình mới là tác động vào yếu tố gốc cấu thành di sản mà chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền và chưa được thông tin kịp thời, đầy đủ. Việc này đã tạo nên những ý kiến nhiều chiều, được một số cơ quan thông tấn báo chí phản ánh trong thời gian qua. Vì vậy, Bộ VH-TT-DL lưu ý và đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình rút kinh nghiệm đối với việc cho phép các hoạt động có tác động đến yếu tố gốc cấu thành di sản, cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Như SGGP đã đưa tin, Công ty Oxalis có tờ trình xin thử nghiệm tour du lịch khám phá Sơn Đoòng, rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày 3 đêm. Để thực hiện được tour này, du khách cần phải vượt Bức Tường Việt Nam để ra cửa sau của Sơn Đoòng, kết thúc chuyến thám hiểm, chứ không quay lại con đường cũ đã đi qua như trước đây. Do đó, công ty này đã đưa ra phương án lắp thang để du khách trèo qua. Phương án với đề xuất có 2 đoạn, trong đó đoạn 1 có độ dốc 45 độ, dài 65m được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi bộ trên nền đá vôi, không đi bộ lên những nơi có nhũ; dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được bắt bulong nở kim loại không gỉ vào đá. Tổng cộng của đoạn này có 23 chốt khóa gắn vào vách đá, trong đó có 8 chốt mới và 15 chốt cũ đã được các chuyên gia thám hiểm hang động gắn từ năm 2010. Đoạn 2 là bức tường thẳng đứng có chiều cao 25m được thiết kế thang lắp ghép, mỗi đoạn 2m làm bằng vật liệu kim loại không gỉ và dễ dàng tháo gở khi không sử dụng, thang được cố định bởi điểm đỉnh thang cố định vào đá vôi, chân thang cố định vào nền hang.

Tin cùng chuyên mục