Lấy người dân làm trọng khi xây dựng chính sách

Từ ngày 8 đến ngày 18-9, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã thăm, làm việc tại Đức, Đan Mạch và Pháp. Khép lại chuyến công tác, người dẫn đầu đoàn - đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, ĐBQH, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã trao đổi với Báo SGGP về việc vận dụng những kinh nghiệm gặt hái được để kiến nghị các giải pháp, chính sách phù hợp, góp phần mở ra hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn ở TPHCM và Việt Nam.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê và đoàn ĐBQH TPHCM tìm hiểu thực tế cách phát triển và giữ gìn bản sắc ở Frankfurt - Đức
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê và đoàn ĐBQH TPHCM tìm hiểu thực tế cách phát triển và giữ gìn bản sắc ở Frankfurt - Đức

* Phóng viên: Thưa đồng chí, qua những cuộc làm việc với nhiều cơ quan của 3 nước, đâu là những điều đồng chí tâm đắc nhất?

- Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Qua chuyến công tác, bản thân tôi và các ĐBQH trong đoàn đã gặt hái được các kết quả, kinh nghiệm khá bổ ích. Mặc dù xuất phát điểm của chúng ta và các nước là khác nhau, song có nhiều kinh nghiệm hay chúng ta có thể tham khảo.

Tại vùng Lyon - Pháp, chúng ta được biết tới cơ chế hoạt động đại đô thị Lyon (vùng Lyon) là cơ chế rất đặc biệt, duy nhất tại Pháp, mang tính đặc thù, có sự tự chủ ngay từ pháp lý, môi trường, giao thông, thực hiện các dự án và các vấn đề chăm lo cho người dân…

Cũng tại Lyon và Paris - Pháp, các đô thị đã có tính liên kết các thành phần kinh tế trong xã hội để tham gia vào lộ trình hoạch định, quy hoạch đô thị. Các đô thị đều quản lý khoa học, luôn nhất quán, kiên định, có lộ trình hợp lý để thực thi pháp luật một cách đúng mức nhằm đảm bảo các vấn đề nhà quy hoạch đề ra.

Tại Copenhagen - Đan Mạch, Frankfurt - Đức, đoàn tìm hiểu sâu về xây dựng chính sách xã hội rõ ràng và có cơ chế giám sát, đảm bảo chính sách xã hội đó. Chúng tôi cũng nhận thấy các vùng, các đô thị cũng đang đối diện với tình trạng nhập cư, gia tăng dân số nhanh gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng.

* Là ĐBQH, đồng chí thấy việc tiếp xúc cử tri của các nghị sĩ có điều gì thú vị?

- Đại biểu của các nước bạn cũng giống như ĐBQH của chúng ta, đều gặp gỡ cử tri để vừa khảo nghiệm lại chính sách đã được biểu quyết, ban hành, vừa được cử tri giám sát. Tại các đô thị, chúng ta thấy từng đại biểu ở các đảng phái khác nhau nhưng đều tranh thủ gặp gỡ cử tri, nghe tiếng nói nhiều chiều, từ đó xây dựng chính sách để bảo vệ quyền lợi cho những nhóm người thuộc trách nhiệm đảng mình phải quan tâm. Nhiều nghị sĩ thường xuyên được cử tri chất vấn. Các cử tri thường xuyên gặp gỡ nghị sĩ, thậm chí có thể gặp hàng ngày, giám sát các cam kết, hành động của nghị sĩ. Đó là những kinh nghiệm rất có ích, chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm về kinh nghiệm của bạn.

* Vậy tiếp theo, đoàn ĐBQH TPHCM có bước vận dụng nào để chuyển hóa những kinh nghiệm hay thành các chính sách có tính thực tiễn, thiết thực với người dân TPHCM, Việt Nam?

- Đoàn ĐBQH TPHCM có trách nhiệm nghiên cứu, phản ánh, đề xuất với Trung ương để có biện pháp giải quyết các kiến nghị về chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các vấn đề của TPHCM. Vì thế, những kinh nghiệm gặt hái được là rất hữu ích. Qua trao đổi kinh nghiệm, đoàn ĐBQH TPHCM sẽ có báo cáo tổng kết chuyến làm việc tới đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM để giao nhiệm vụ tới các cơ quan chuyên ngành đi sâu vào nghiên cứu, xây dựng nội dung hợp lý, từ đó đi vào chương trình kết nối, ứng dụng cụ thể.

Có nhiều vấn đề không thể áp dụng ngay ở TPHCM hay cả nước, mà trước hết, đoàn rút tỉa một số lĩnh vực rồi báo cáo, đề xuất UBND TPHCM thí điểm thực hiện ở TPHCM. TPHCM đang trong lộ trình xây dựng Khu đô thị sáng tạo, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, thì không thể nào bỏ qua việc thiết kế các chính sách xã hội, quản lý đô thị, quy hoạch, tiêu chí xây dựng thành phố văn minh, hiện đại… Đó cũng là những vấn đề đoàn ĐBQH TPHCM có thể góp ý, kiến nghị và giám sát thực hiện.

* Thưa đồng chí, cách tổ chức xã hội, quản lý khác nhau giữa TPHCM và các thành phố, các vùng đô thị ở Đức, Đan Mạch và Pháp liệu có là trở ngại trong việc vận dụng những kinh nghiệm học hỏi được? Đâu là điều quan trọng nhất để thực tiễn có các chính sách phù hợp, thiết thực với người dân?

- Không có nhiều khác biệt, trở ngại. Như tôi đã nói, dù xuất phát điểm của TPHCM và các thành phố, đô thị hiện đại mà chúng ta vừa trao đổi kinh nghiệm có khác nhau, nhưng TPHCM hoàn toàn có thể tiệm cận được, học hỏi được cách quản lý, quy hoạch đô thị, giao thông thông minh, thực hiện các chính sách xã hội, tăng trưởng xanh… Bởi, điều chung quan trọng nhất là cả TPHCM và các đô thị ở Đức, Đan Mạch và Pháp đều lấy dân làm trọng, khi đưa ra chính sách ở bất cứ lĩnh vực nào thì đều lấy cuộc sống, môi trường, an ninh, sức khỏe của người dân lên làm đầu. Quan trọng là chúng ta cần có phương pháp tư duy đúng, có lộ trình thực hiện phù hợp để vận dụng kinh nghiệm của bạn, giúp xây dựng TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục