Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ này.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến việc chuẩn bị tiến hành lấy phiếu để đảm bảo việc lấy phiếu thực chất hơn, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cán bộ.
Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất ảnh 1
 * Phóng viên: Thưa ông, sau khi sửa đổi Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì Quốc hội, HĐND chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Theo ông, việc lấy phiếu tới đây có những điểm gì cần lưu ý?

 * Ông LÊ THANH VÂN: Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm là một bước tiến trong công tác cán bộ. Về bản chất là một hình thức “khảo khóa” - Quốc hội kiểm tra lại thời gian đảm nhận chức vụ của các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn xem họ đã làm được những gì, có vi phạm gì không, hiệu quả ra sao. Với tư cách là người sẽ bỏ lá phiếu để đánh giá tín nhiệm, tôi cho rằng ở đây có một điểm đáng tiếc là các chức danh này trước khi đảm nhận chức vụ đã không được yêu cầu đưa ra những cam kết và chương trình hành động cụ thể khi “nhập vai”. Thế nên, kiểm điểm đánh giá công việc của họ vẫn chưa dựa vào những căn cứ nào có tính định lượng. 

* Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, các chức danh được bỏ phiếu đều có bản đánh giá kết quả công tác của bản thân, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng họ không đủ thông tin để đánh giá chính xác. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

* Trong nhiều trường hợp, việc đánh giá tín nhiệm còn mang cảm tính. Cần phải tiếp tục xây dựng khung tiêu chuẩn cho các vị trí được đánh giá tín nhiệm. Làm thế mới chấn chỉnh gốc rễ công tác nhân sự, đánh giá sát hơn về kết quả, thay đổi, hiệu quả công tác lãnh đạo quản lý, đong đếm cụ thể bằng thực chứng, không thể mơ hồ, cảm tính. Mặt khác, điều đó cũng có tác dụng “báo trước” cho những ai tự cảm thấy mình không đáp ứng được yêu cầu công việc thì tự rút khỏi chức vụ đó - cơ sở rất tốt để khởi xướng văn hóa từ chức, nhường chỗ cho các hiền tài. Cũng phải nói thêm rằng chức năng nhiệm vụ ở đây là lãnh đạo, quản lý chứ không phải tất cả những công việc mà người đó đóng góp cho xã hội.  

Bên cạnh đó, trước khi tiến hành lấy phiếu, Quốc hội cần thảo luận, đánh giá hành vi lãnh đạo, quản lý và kết quả lãnh đạo, quản lý của những nhân sự do mình bầu/phê chuẩn. Việc này nên tiến hành trước hết ở các đoàn, các tổ đại biểu Quốc hội, sau đó thảo luận công khai tại hội trường đối với từng người một hoặc ít nhất là từng nhóm cán bộ theo lĩnh vực công tác. Có thế thì đại biểu mới yên tâm khi đặt bút ghi phiếu; thể hiện tính trách nhiệm xuyên suốt của mình trong việc bầu hoặc phê chuẩn nhân sự.
 
* Theo ông, có nên cải tiến cách thức lấy phiếu hay không, từ nội dung lá phiếu đến việc xử lý sau bỏ phiếu bất tín nhiệm (nếu có)?

* Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình về việc chỉ nên bỏ phiếu một lần, nếu kết quả tín nhiệm thấp chính là thể hiện bất tín nhiệm. Nếu vẫn làm như trước - tức là lấy phiếu rồi mới bỏ phiếu bất tín nhiệm (nếu có) - thì phải có cách kiểm soát để lưu giữ kết quả, để sau này khi cần thiết thì có thể truy cứu trách nhiệm những người đã bỏ phiếu một cách cảm tính, không khách quan do bị một nhóm lợi ích nào đó thao túng. Không chỉ việc đánh giá tín nhiệm, mà tất cả các chủ trương khác được Quốc hội biểu quyết cũng vậy. 

* Nghĩa là lá phiếu của đại biểu nào đều được xác định rõ? Ông sẵn sàng ký tên vào lá phiếu của mình đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt theo quy định?

* Tôi sẵn sàng. Và tôi còn muốn việc đánh giá tín nhiệm này được làm hàng năm chứ không phải chỉ một lần vào giữa nhiệm kỳ.
*  Xin cảm ơn ông! 
 Nghị quyết 35 (sửa đổi) quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Có hai căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Tin cùng chuyên mục