Lấy tiêu chuẩn thị trường để cải thiện dịch vụ công

Hội thảo về cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức diễn ra ngày 5-1, tại Hà Nội. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cung ứng dịch vụ công ích chính là mảnh đất mà cơ chế quan liêu, bao cấp còn khá nặng nề, tác động cải cách thị trường còn khá mờ nhạt.
Lấy tiêu chuẩn thị trường để cải thiện dịch vụ công

Hội thảo về cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức diễn ra ngày 5-1, tại Hà Nội. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cung ứng dịch vụ công ích chính là mảnh đất mà cơ chế quan liêu, bao cấp còn khá nặng nề, tác động cải cách thị trường còn khá mờ nhạt.

Nút giao thông Suối Tiên ở cửa ngõ thành phố. Ảnh: Thái Bằng

Trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Hải (CIEM) cho biết, tổng chi phí dịch vụ công ích của một số tỉnh, thành phố là khá lớn và có xu hướng tăng. Chẳng hạn, tại Hà Nội, chi phí này (tương ứng cho các năm 2014, 2015 và 2016) là 2.950 tỷ đồng, 3.314 tỷ đồng và 4.529 tỷ đồng. Nguồn chi này được phân bổ cho duy tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực vệ sinh môi trường (45%); duy tu, sửa chữa, duy trì thoát nước và xử lý nước thải (19%); duy tu, sửa chữa, duy trì vườn hoa thảm cỏ, công viên cây xanh (16%); duy tu, sửa chữa, duy trì hạ tầng giao thông (12%); duy tu, sửa chữa, duy trì chiếu sáng công cộng (8%).

Tổng chi và tỷ lệ này có khác biệt đáng kể giữa các đô thị, song có điểm chung dễ nhận thấy là nếu việc cung ứng các dịch vụ này được đưa ra đấu thầu rộng rãi thì có thể tiết kiệm được đáng kể. Theo số liệu cung cấp trên báo chí, tại quận Bình Tân (TPHCM), qua thí điểm đấu thầu, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giảm được tới 48%. Tại quận Tân Phú, qua đấu thầu, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm được 11%...

Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận: “Cần phải lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo để tạo ra sức ép cải thiện dịch vụ công và tiết kiệm chi phí. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy giải pháp này này đem lại hiệu quả rõ rệt”.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền nói: “Khung pháp lý đối với dịch vụ công ích hiện nay (Nghị định 130/2013/NĐ-CP) tuy đã mở ra sân chơi cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần mở rộng, làm rõ”. Theo ông Thanh, trong nghị định vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa các điều khoản về phương thức lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ công ích, làm giảm tính minh bạch, công khai của nghị định. Nhiều điều khoản trong nghị định còn khá chung chung, nên khi triển khai còn lúng túng, đơn cử như trường hợp áp dụng phương thức đặt hàng mà có đến hai đơn vị trở lên tham gia thì giải quyết như thế nào…

Vẫn ông Đậu Anh Tuấn cung cấp thông tin: chỉ số cơ sở hạ tầng không nằm trong hệ thống tính điểm đánh giá chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các tỉnh, thành phố thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương (PCI), nhưng vẫn được VCCI khảo sát với các nhóm tiêu chí (về khu công nghiệp, đường giao thông, dịch vụ năng lượng và điện thoại, dịch vụ Internet). Kết quả khảo sát này trong một số năm gần đây cho thấy Đà Nẵng là đô thị được nhiều doanh nghiệp (cả trong nước và FDI) đánh giá tốt hơn cả trong 3 tiêu chí kể trên. Riêng ở tiêu chí khu, cụm công nghiệp thì Hải Phòng về nhất, nhỉnh hơn Đà Nẵng một chút.

Ở tiêu chí đường giao thông, Hà Nội và TPHCM không được đánh giá cao, do tình trạng kẹt xe và sự hạn chế trong kết nối giữa các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục