Lễ hội Áo dài 2017: Ngợi ca nét duyên dáng áo dài Việt

Hôm nay 3-3, Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2017 do Sở Du lịch TPHCM phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức chính thức khai mạc, kéo dài đến ngày 17-3. Với chủ đề “Duyên dáng áo dài TPHCM”, Lễ hội Áo dài là một trong những hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, xung quanh sự kiện này.

° PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ một vài thông tin tổng quan về Lễ hội Áo dài TPHCM 2017?

° Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ: Có thể nói Lễ hội Áo dài TPHCM năm nay không chỉ đa dạng về các nội dung hoạt động mà còn phong phú ở hình thức thể hiện. Nhiều sự kiện sẽ diễn ra trong không gian mở để góp phần tạo nên một trải nghiệm thực, gần gũi và sống động giữa du khách và chiếc áo dài Việt. Đó là triển lãm Duyên dáng áo dài Việt Nam ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó sẽ có hoạt động đo, may áo dài cho du khách may mắn; cuộc thi chụp ảnh nhanh với áo dài. Chương trình trình diễn áo dài cũng vậy, diễn ra tại nhiều địa điểm như Nhà Văn hóa Thanh niên TP, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP, Bảo tàng Áo dài TPHCM… để đưa hình ảnh áo dài gần gũi hơn với các tầng lớp nhân dân.

Lần đầu tiên, TP tổ chức chương trình đồng diễn chủ đề Tôi yêu Việt Nam với sự tham gia của hơn 3.000 người trong trang phục áo dài đồng loạt diễu hành trên thảm đỏ tại phố đi bộ, thể hiện một tình yêu chung, không có giới hạn của người Việt Nam với chiếc áo dài cũng như chuyển tải thông điệp vẻ đẹp trường tồn của chiếc áo dài. Điểm nhấn là phần thể hiện tình yêu quê hương, biển đảo của tuổi trẻ TP qua hình thức biểu diễn xếp thành hình bản đồ Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Chiếc áo dài qua các thời kỳ sẽ được biểu diễn tại Lễ hội Áo dài 2017. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

° Điểm mới của lễ hội năm nay là hướng đến các hoạt động tương tác, kết nối du khách và công chúng. Xin ông nói cụ thể thêm vấn đề này?

° Trước hết là cuộc thi Duyên dáng áo dài, chúng tôi mời gọi và đón nhận sự tham gia của tất cả các đối tượng, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp hay độ tuổi. Từ 200 thí sinh vòng bán kết, ban tổ chức sẽ chọn 50 gương mặt vào vòng ứng xử và 20 gương mặt xuất sắc nhất tranh tài cho ngôi vị quán quân. Ban tổ chức chú trọng các hội thi nhằm thu hút đa dạng đối tượng tham gia vào lễ hội như: thi ảnh đẹp “Áo dài online” cho mọi đối tượng trong và ngoài nước; thi chụp ảnh nhanh cho các tay máy chuyên nghiệp lẫn không chuyên chụp ảnh dự thi trong ngày; hành trình xe đạp Năng động áo dài đến các di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của TP dành cho học sinh cấp 1-2 toàn TP… Được sự ủng hộ của các sở ban ngành, nhiều hoạt động kết nối, tương tác cùng Lễ hội Áo dài được chuẩn bị rất đa dạng như: vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mặc áo dài trong suốt tháng 3 và thường xuyên mặc áo dài cả năm; vận động tiểu thương hoạt động kinh doanh tại các chợ Bến Thành, An Đông... thường xuyên mặc áo dài. Chúng tôi còn vận động các cơ sở may đo áo dài cùng giảm giá cho người dân và du khách đặt may trong tháng 3.

° Là một sự kiện văn hóa quy mô lớn được TP tổ chức hàng năm, năm nay, lễ hội sẽ kết nối với du khách nước ngoài bằng cách nào?

° Qua 3 lần tổ chức đến nay, Lễ hội Áo dài TPHCM đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân TP, các doanh nghiệp du lịch. Không chỉ thế, sự kiện đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia. Cũng cần nói thêm, lễ hội áo dài năm nay cũng đánh dấu một chương trình giao lưu đặc biệt có quy mô lớn nhất từ trước đến nay chủ đề Áo dài Việt Nam - Hội tụ và thăng hoa. Lãnh sự các nước có mặt tại chương trình sẽ đồng loạt mặc trang phục áo dài Việt Nam do ban tổ chức may tặng và thưởng thức các phần biểu diễn, giao lưu của bạn trẻ các nước đang học tập, làm việc, sinh sống tại TPHCM….

° Lễ hội là sự kiện văn hóa được đầu tư quy mô vừa quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa xây dựng TP thành điểm đến hấp dẫn. Ông có thể chia sẻ thêm câu chuyện này?

° Đây chính là điều mong muốn của chúng tôi. Lễ hội Áo dài TPHCM được tổ chức thường niên sẽ là sự kiện văn hóa quan trọng để mọi người tự hào, tôn vinh nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời để chuyển tải một thông điệp đến người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế: đó là ngợi ca nét đẹp duyên dáng và vẹn nguyên của chiếc áo dài Việt Nam qua mọi thời đại, với mọi đối tượng. Từ ý nghĩa sâu sắc này, chúng tôi cũng hướng đến tạo tiền đề cho một lễ hội du lịch văn hóa thường niên uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TPHCM trong tương lai, góp phần xây dựng TPHCM trở thành điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn ª

MINH AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục