Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Các chủ trâu “tự nguyện” nộp hơn 2,2 tỉ đồng!?

Bộ VH-TT-DL cho biết vừa nhận được văn bản báo cáo của UBNDTP Hải Phòng những vấn đề liên quan đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sau khi xảy ra tại nạn chết người trong vòng loại ngày 1-7-2017.

Đừng để các lễ hội chọi trâu nhuốm màu thương mại. Ảnh: TTXVN
Đừng để các lễ hội chọi trâu nhuốm màu thương mại. Ảnh: TTXVN

Trong báo cáo này, bất ngờ nhất là số tiền ủng hộ tự nguyện của các chủ trâu từ năm 2015 đến 2017 được liệt kê lên tới hơn 2,2 tỷ đồng đồng. Con số này cao gấp nhiều lần so với khoản thu chính thức theo quy định.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Phòng, từ năm 2014 UBND quận Đồ Sơn đã ban hành Quy chế quản lý tài chính Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, theo đó các chủ trâu tham gia đều thực hiện đóng góp các khoản kinh phí như sau: Vòng đấu loại: 1.970.000 đồng để chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ trâu, dựng trại trâu, điểm giết mổ, giết mổ, tiêu độc khử trùng. Vòng chung kết số tiền có thấp hơn một chút là 1.320.000 đồng để chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ trâu, dựng trại trâu, tiêu độc khử trùng.

Tổng số tiền thu theo đúng quy định này từ năm 2015 đến 2017 của các chủ trâu là 252,48 triệu đồng. Cụ thể ở vòng đấu loại 32 trâu là 189,12 triệu đồng; vòng chung kết 16 trâu thu được 63,36 triệu đồng. Cùng đó các chủ trâu phải thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước nộp thuế 2.250.000 đồng/trâu ở vòng loại và vòng chung kết là 4.500.000 đồng/trâu.

Tuy nhiên con số ủng hộ tự nguyện cho UBND các phường (ban tổ chức lễ hội phường) chính thức liệt kê lên con số rất khủng là hơn 2,2 tỷ đồng, tức là gấp gần 10 lần số tiền đóng góp tự nguyện. Cụ thể khoản tiền được cho là tự nguyện ủng hộ của các chủ trâu cho UBND phường, việc ủng hộ dựa vào lòng hảo tâm của các chủ trâu năm 2015 là 694 triệu đồng, năm 2016 là 759,5 triệu đồng và năm 2017 là 258 triệu đồng.

Báo cáo cũng cho thấy số tiền chi cho 3 mùa lễ hội là 2,1 tỷ đồng trong 3 năm cụ thể là dùng để mua lễ, thuê xe, trang phục đội tế, nước uống, hội nghị triển khai, tổng kết….

Có thể thấy cùng với số tiền bán vé các trận đấu và tiền thu được theo nguồn chính thức hay nguồn được cho là “tự nguyện” đóng góp đã đem về lợi nhuận khổng lồ cho mỗi mùa lễ hội.

Vì thế có lẽ không phải là không có lý khi mỗi mùa chọi trâu lại rộ lên những thông tin tiêu cực về việc nhiều chủ trâu thay vì tự nuôi dưỡng, chăm bẵm trâu chọi, họ phải đi “độ” trâu nhập từ các tỉnh, thậm chí trâu nhập từ nước ngoài về để có nhiều ưu thế.

Không chỉ thế, tại các lễ hội cũng không hiếm các tin đồn về việc chủ trâu chọi, không kể thắng thua còn trộn lẫn thịt trâu chọi với trâu thường để bán kiếm lời…

Được biết, UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản yêu cầu UBND quận Đồ Sơn chủ trì, phối hợp với Sở VHTT mời Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Viện Nghiên cứu văn hóa, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và đại diện cộng đồng dân cư quận Đồ Sơn tổ chức Hội thảo về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Hội thảo cũng sẽ lấy ý kiến về các hoạt động tại Lễ hội, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể, chú trọng tổ chức các nghi lễ trang trọng, truyền thống và tính trang trọng, trên cơ sở kết quả Hội thảo, báo cáo Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu UBND quận Đồ Sơn tiếp tục tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Bộ VH-TT-DL. Nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Quy chế tổ chức Lễ hội chọi trâu (nếu được tổ chức), quán triệt việc thực hiện nghiêm Quy chế tổ chức Lễ hội chọi trâu, yêu cầu có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người điều khiển trâu và khách tham dự Lễ hội. Và điều quan trọng hơn cả là đừng khiến một lễ hội được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lại nhuốm màu “thương mại”.

Tin cùng chuyên mục