Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013: Nồng ấm ngày hội tri ân thầy cô

Tối 17-11, tại Hội trường TPHCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16 năm 2013 do Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT và Công ty Prudential Việt Nam tổ chức. Năm nay, giải thưởng vinh danh 30 giáo viên xuất sắc nhất có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người được lựa chọn từ hơn 70.000 giáo viên trên địa bàn TP.
Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013: Nồng ấm ngày hội tri ân thầy cô

Tối 17-11, tại Hội trường TPHCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16 năm 2013 do Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT và Công ty Prudential Việt Nam tổ chức. Năm nay, giải thưởng vinh danh 30 giáo viên xuất sắc nhất có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người được lựa chọn từ hơn 70.000 giáo viên trên địa bàn TP.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng biên tập Báo SGGP; Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM; Hà Hữu Phúc, Phó vụ trưởng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM và ông Jack Howell, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Prudence Việt Nam.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các thầy, cô được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các thầy, cô được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

        Phần thưởng cao quý

Cơn mưa bất chợt vào cuối buổi chiều vẫn không làm cho buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013 kém phần trang trọng và nồng nhiệt. Mặc dù 20 giờ buổi lễ mới bắt đầu nhưng từ 18 giờ 30 đã có rất đông các thầy cô giáo và người thân có mặt tại Hội trường TPHCM. Cô Võ Thị Xuân Dung, giáo viên Trường THCS Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) đã có mặt từ rất sớm để chia vui cùng đồng nghiệp Lê Thị Phương Đài.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Dung cho biết rất vui và vinh dự khi đây là lần thứ ba Trường THCS Tân Phú Trung có giáo viên được trao giải thưởng Võ Trường Toản. Giải thưởng sẽ tiếp thêm nguồn động lực cho tập thể giáo viên nhà trường cố gắng hơn trong công tác giảng dạy.

Có thể nói, mỗi thầy cô đoạt giải thưởng hôm nay đều là tấm gương sáng, là những bông hoa tỏa ngát hương thơm cho cuộc đời. Vượt lên mọi khó khăn đời thường và nỗi lo cuộc sống, họ luôn cháy hết mình vì học sinh thân yêu bằng cách đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, tiếp lửa đam mê học giỏi, tìm tòi khám phá chân trời nghiên cứu khoa học…

Trong phần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 25 năm gắn bó với nghề giảng dạy, thầy giáo Phạm Quang Vinh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) nói rằng: “Trước khi dạy học sinh yêu gia đình, yêu Tổ quốc, tôi luôn tâm niệm phải dạy cho các em biết yêu thương bản thân từ những việc làm nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân, tự giác học tập, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác. Sau đó, mới đến việc dạy cho các em biết yêu thương những người thân trong gia đình thông qua những việc làm cụ thể, tùy theo sức mình như biết lễ phép, chăm em, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà”.

Với học sinh THPT, cô Nguyễn Thị Thiên Minh, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) nhấn mạnh vào việc giáo dục lòng yêu nước, sự biết ơn, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh. Cô cho biết: “Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với giáo viên cấp 3 nói chung và giáo viên dạy môn lịch sử nói riêng. Qua các tư liệu lịch sử đã chứng minh biển đảo chính là một phần lãnh thổ của đất nước, mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào về những gì cha ông đã làm được, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ bờ cõi quê hương”.

Đặc biệt, chia sẻ của cô Đôn Thụy Tường Vân, giáo viên Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1) về động lực bám trụ với nghề đã khiến cả hội trường lặng im xúc động. Nhớ lại những ngày đầu công tác, dù đã được trang bị kiến thức chuyên môn về trẻ chậm phát triển nhưng cô vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Có đôi lúc bản thân đã nghĩ không thể gắn bó với nghề nhưng nhìn thấy nụ cười của các em, cảm nhận được tình yêu thương học sinh dành cho mình thông qua những việc làm nhỏ nhất như chào cô, chạy lại ôm hôn cô, tranh nhau xách giỏ vào lớp cho cô mặc dù khả năng phát âm và vận động của các em rất khó khăn. Cô bày tỏ: “Chỉ cần được nhìn thấy những tiến bộ dù nhỏ nhất của các em cũng giúp tôi cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc”. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay chính là động lực tiếp thêm cho người giáo viên trẻ niềm tin và động lực phấn đấu trên con đường đã chọn.

Tiết mục múa Thuyền trăng của Trường THCS Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) khai mạc Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Tiết mục múa Thuyền trăng của Trường THCS Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) khai mạc Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

        Giải thưởng lan tỏa hơn nữa

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, từ khi ra đời đến nay đã có hơn 400 thầy cô giáo được tôn vinh, đón nhận giải thưởng Võ Trường Toản. Họ là những người đã vượt qua nhiều khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống đời thường để luôn là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập, học sinh noi theo. Các thầy cô là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục - đào tạo của TPHCM được học sinh tin tưởng, đồng nghiệp noi theo.

Đồng hành với giải thưởng suốt 16 năm qua, ông Jack Howell, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Prudence, chia sẻ rằng: “Tôn sư trọng đạo là nét đẹp truyền thống rất đáng trân trọng của dân tộc Việt Nam và doanh nghiệp mong muốn chung tay góp phần bảo lưu, khuyến khích giá trị nhân văn này. Trong những chương trình hỗ trợ hoạt động giáo dục tại Việt Nam, giải thưởng Võ Trường Toản là giải thưởng truyền thống để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong xã hội qua việc tôn vinh người thầy.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận biểu dương sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở GD-ĐT TPHCM và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đã đồng hành cùng giải thưởng Võ Trường Toản suốt 16 năm qua. Ông mong rằng giải thưởng này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả trong việc động viên, khen thưởng kịp thời những đóng góp xứng đáng của các thầy cô giáo.

Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh rằng, giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16 năm 2013 diễn ra vào dịp cả nước kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng đến xây dựng nền giáo dục mở, thực học - thực nghiệp, dạy tốt - học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục nước ta đạt trình độ tiên tiến trong khu vực...

Buổi lễ kết thúc trong không khí đầm ấm, tràn ngập những lời chúc mừng tri ân và những bó hoa tươi tỏa ngát hương thơm, dạt dào niềm hân hoan của những thầy cô đoạt giải thưởng.

>> Video: Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16. Thực hiện: Đức Trọng

Lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013: Nồng ấm ngày hội tri ân thầy cô ảnh 3

KHÁNH BÌNH - THU TÂM

Tin cùng chuyên mục