Lên nóc nhà Đông Dương

Lên nóc nhà Đông Dương

Lên nóc nhà Đông Dương ảnh 1

Lê mình trong mưa gió suốt 12 giờ đồng hồ, rét run cầm cập trong cái lạnh 2 độ C-5 độ C, men theo con đường nguy hiểm chỉ dành cho người Mông bản địa, treo mình bằng sợi dây thừng vượt qua vách đá dựng đứng... trải qua tất cả hiểm nguy ấy, tôi chạm chân đến “nóc nhà Đông Dương” cao 3.143m.

  • Chủ: Leo “Phan” như “đi chợ”

Anh nhân viên kiểm lâm Nguyễn Mạnh Cường (Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên Sơn) lúi húi mở sổ ra, thông báo: “Từ tháng 5 đến tháng 9-2006, có 192 nhóm leo “Phan” (ý nói chinh phục đỉnh Phan Xi Păng thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn).

Có nhóm đi 4 ngày, khởi hành từ bản Cát Cát (1.800m) đến Sín Chảy rồi leo ngược lên “Phan”; có nhóm đi 2-3 ngày khởi hành từ chân Hoàng Liên Sơn (1.700m) lên đến Lán Bảo Tồn nghỉ một đêm rồi đi tiếp lên đỉnh; có người lại đi theo con đường dài nhất dọc theo sườn Tây của Hoàng Liên Sơn nhưng không đến được đỉnh “Phan” mà chỉ ngắm “Phan” từ độ cao 2.900m; lại có những người khởi hành từ Lán Bảo Tồn (2.000m) lên đến đỉnh, rồi trở lại Lán Bảo Tồn chỉ trong 1 ngày nhưng con đường này không gây cảm giác “chinh phục” và đa số du khách đã chọn giải pháp ấy!”.

Lên nóc nhà Đông Dương ảnh 2

Đường lên “Phan” đầy hoa.

Sau nhiều lần hội ý, chúng tôi quyết định sẽ kéo dài đoạn đường chinh phục, nghĩa là khởi hành từ Sa Pa (1.600m) vào đến San Sả Hồ, Sín Chảy rồi leo ngược lên “Phan”. Giá 1,8 triệu đồng/người, tưởng đắt hóa ra rẻ. Thêm nữa, thời gian trung bình 4 ngày 3 đêm được rút xuống 2,5 ngày 2 đêm, cường độ leo núi của đoàn sẽ tăng gấp rưỡi.

Sở dĩ có quyết định như trên là bởi Trưởng đoàn Trần Viết Hồng Lân, Phó Chủ tịch Hội Du khảo trẻ TPHCM và Phó đoàn Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương, đều rất “máu”.  

Hướng dẫn viên của Công ty Green Sa Pa yêu cầu chúng tôi trang bị tận răng nào áo ấm, găng tay, áo mưa, giày leo, đèn pin, gậy gộc, bít tất, dao găm... Nhìn anh và 6 chàng trai Mông lúi húi sắp xếp thực phẩm khô, thịt tươi, rau quả, nước lọc... vào gùi, tôi cười: “Người ta leo “Phan” cứ như đi chợ, việc gì phải quan trọng thế!”. Nhưng cũng để chu toàn, tôi a lô hỏi một hướng dẫn viên gạo cội, anh này cười khùng khục trong máy: “Ối, ông lo gì. Khối thằng leo, đơn giản mà”. Thế mà, thông tin từ kiểm lâm báo rằng dạo tháng 1-2006, một du khách người Anh bị cướp chiếc máy định vị và bị giết chết khi leo “Phan” một mình.

Hung thủ sau đó còn tẩm xăng đốt cháy nạn nhân hòng phi tang (công an đã bắt được tên này, hắn nghiện ma túy nặng). Rồi Mã A Páo, anh chàng Mông có nhiệm vụ “kèm cặp” tôi, dặn: “Anh phải bám sát em, khi thấy mất dạng là phải hú để em chờ. Hôm rồi, một anh người Israel bị lạc 3 ngày, khi em tìm được thì phải khiêng xuống núi. Em cũng vừa cáng một chị Hàn Quốc bị té vào đá, giập xương sống”.

- Páo lên Phan Xi  Păng bao lần rồi?”

- Em đi được... 50 lần nhưng đi bằng con đường các anh leo thì chỉ mới mươi bận. Khách du lịch thì em chưa gặp ai leo đỉnh thành công lần thứ hai bằng con đường này. Đa số khách đi “Phan” thành công là bằng đường du lịch (từ 2.000m, có tay vịn, dốc thoải). Riêng khách Việt ít đi đường này, khách Tây thì 1/3 bỏ về nửa chừng.

  • Khách: Đời người chỉ có một lần!
Lên nóc nhà Đông Dương ảnh 3

Leo “Phan”, phải bò bằng tứ chi hoặc leo bằng dây.

Đúng nghĩa là leo, chúng tôi dùng tứ chi để vượt từng đoạn núi, từng mỏm đá mà bên cạnh là mây trắng bay, dưới chân thì vực sâu hoắm. Từ sáng sớm đến trưa, đoàn vượt lên độ cao 1.850m, dừng lại ăn trưa. Không khí loãng và lạnh như tủ đá.

Bếp lửa nhen mãi mà không thể làm sôi hoàn toàn nồi nước nấu mì gói, chúng tôi ngả người lên một mặt đá, nhai trệu trạo và nghe tiếng thác đổ ầm ào xa xa. Trong vùng lõi 29.845ha, con người tuyệt đối không được xâm nhập và khai thác. Khách leo “Phan” giới hạn từ 16-60 tuổi, phải mua bảo hiểm, phải đăng ký với kiểm lâm và phải có người hướng dẫn...

Dọc đường chúng tôi “bò” lên (tốc độ 500m/giờ, mỗi giờ vượt 100m độ cao) thi thoảng chim, khỉ, sóc chạy rồ rộ. Được biết ở Hoàng Liên Sơn còn có báo gấm, mèo rừng, gấu ngựa, bò rừng, hổ, sơn dương. Lên đến độ cao 2.200m thì trời sụp tối. Đèn pin, gậy gộc và dao găm phát huy tác dụng tối đa. Những đôi chân tê dại dò dẫm theo quán tính thỉnh thoảng lại tạo ra tiếng “uỵch uỵch” do mông va chạm vào đá. Trán tôi bị dập vào đá một lần, chảy máu và choáng váng mười phút mới tỉnh, lại bò tiếp.

Ở độ cao 2.300m chỉ có chỗ nghỉ đêm sơ sài. Ăn vội 2 tô mì bằng thứ nước suối (múc dưới suối lên) nấu hoài không sôi vì lạnh, tôi mặc 4-5 lớp áo mà vẫn lạnh cóng. Lũ bọ chó thi nhau cắn. Mặc, chỉ sợ chết vì rét!

Sớm hôm sau, chúng tôi khởi hành, xuyên qua rừng trúc lùn chỉ cao khoảng 1m. Rừng tùng la hán hiện ra với dung mạo cổ quái, thân cây sần sùi đầy rêu, xung quanh mây mù bay lãng đãng như một bức tranh thủy mặc. Vượt qua một dốc đá cao 50m, chúng tôi gặp mưa. Cơn mưa ấy đã khiến một nhóm khách Tây bỏ về.

Đường đi ngoằn ngoèo lên cao mãi. Cứ đi khoảng 20m, đoàn lại phải nghỉ 3 phút. Tôi thầm cảm ơn rừng hoa đỗ quyên với hàng triệu nhánh rễ xù xì, vươn lên trên mặt mùn ẩm ướt, giúp người leo núi khỏi trượt chân. Leo đoạn đường này không được phép sai lầm. Chân móc vào từng rễ cây, tay cũng bám vào rễ cây cheo leo ở độ dốc hơn 70o, nghĩa là gần như thẳng đứng. Cũng vì dựng đứng và không có đất, đỗ quyên cũng bám vào từ khe hẹp giữa các tảng đá, cũng như chúng tôi bám vào đỗ quyên.

Lên nóc nhà Đông Dương ảnh 4

PV trên đỉnh Phan Xi Păng.

Mưa càng trút nước, vài người lên tiếng năn nỉ bỏ cuộc hoặc cắm trại lại, chờ hôm sau tiếp tục. Nhưng với cơ thể ướt lạnh, tê dại như thế, nếu chỉ dừng khoảng 30 phút thôi, có lẽ tôi sẽ chết cóng. 12 giờ trưa mà trời không chút ánh sáng, mưa và bùn như kéo chân mọi người, những đôi môi tím tái nhả ra từng làn khói mảnh.

Đã ở độ cao 2.900m rồi, đành phó mặc cho thời tiết và cả loài hoa tuyệt trần: đỗ quyên. Nếu không có chúng, chắc chắn lũ bùn sẽ kéo chúng tôi trôi tuột mất. Cám ơn em, loài hoa đỗ quyên xinh đẹp!

Chợt Mã A Páo hét lên: “Còn 20m (độ cao) nữa, sắp đến rồi”.

Tôi băng dậy bằng một cú nước rút. Phía sau lưng, nhà du khảo trẻ Hồng Lân phì phò bám sát, anh ấy cũng muốn chạm đích trước tiên. Dốc tất cả hơi tàn, tôi lao lên ôm lấy cột mốc bằng inox ghi con số: 3.143m. Nóc nhà Đông Dương là đây, không gian ngừng trôi vì hạnh phúc tràn ngập. Anh bạn Hồng Lân “đề pa” chậm nên về sau đúng “nửa thân xe”, đang bị “rốc máy” nằm bẹp dí!

Năm phút ở trên đỉnh Phan Xi Păng ngắn như 5 giây. Chụp vội mấy kiểu hình trong cái lạnh 20c, tôi móc điện thoại ra, gọi cho một người, nói những gì cần nói, thế là hạnh phúc!

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục