Lênh đênh phận nữ lái đò…

Mặt trời vừa nhô khỏi những rặng bần từ phía cồn Ấu. Gió từ sông Hậu lùa qua cửa sông Cần Thơ càng làm cho thời tiết thêm se lạnh. Lúc này, chị Sáu Tây đã chạy hai cuốc đò từ xóm Chài qua bến Ninh Kiều và ngược lại. Sáng nay, bà Bảy Cọc (60 tuổi), được một lái trái cây thuê chạy vào chợ nổi Cái Răng mua hàng. Chị Sáu nhẹ nhõm nhìn dáng bà Bảy Cọc đã còm lưng, nổ máy đưa khách. Chị nghĩ, vậy là yên tâm, ít ra hôm nay bà Bảy cũng kiếm ngoài trăm ngàn. "Chị Sáu ơi, nhìn cái gì mà dữ vậy, bộ tính tìm chồng hả?", giọng chị Hai Hồng sang sảng cùng tiếng cười của hàng chục phụ nữ lái đò như đánh thức ngày mới ở một góc sông nước nằm cạnh bến Ninh Kiều…
Lênh đênh phận nữ lái đò…

Mặt trời vừa nhô khỏi những rặng bần từ phía cồn Ấu. Gió từ sông Hậu lùa qua cửa sông Cần Thơ càng làm cho thời tiết thêm se lạnh. Lúc này, chị Sáu Tây đã chạy hai cuốc đò từ xóm Chài qua bến Ninh Kiều và ngược lại. Sáng nay, bà Bảy Cọc (60 tuổi), được một lái trái cây thuê chạy vào chợ nổi Cái Răng mua hàng.

Chị Sáu nhẹ nhõm nhìn dáng bà Bảy Cọc đã còm lưng, nổ máy đưa khách. Chị nghĩ, vậy là yên tâm, ít ra hôm nay bà Bảy cũng kiếm ngoài trăm ngàn. "Chị Sáu ơi, nhìn cái gì mà dữ vậy, bộ tính tìm chồng hả?", giọng chị Hai Hồng sang sảng cùng tiếng cười của hàng chục phụ nữ lái đò như đánh thức ngày mới ở một góc sông nước nằm cạnh bến Ninh Kiều…
 

  • "Nghề gia truyền"!
Lênh đênh phận nữ lái đò… ảnh 1
Chị Sáu Tây vừa chèo vừa điều khiển máy đuôi tôm cho đò rời bến

 Những người phụ nữ lái đò này đều có chung một hoàn cảnh: gia đình nghèo, đông người, học ít, không đất sản xuất. Chị Nguyễn Thị Tây (Sáu Tây), 45 tuổi ở xóm Chài (Hưng Phú, Cái Răng, Cần Thơ) là người được chị em lái đò ở đây kính nể. Họ kính nể bởi chị là người phụ nữ sống hiền hòa và rất có hiếu với gia đình. Khi 16 tuổi, chị chưa biết một chữ bẻ đôi. Khi ấy, mẹ chị đã là người có thâm niên hàng chục năm chạy đò ở bến Ninh Kiều để nuôi 11 miệng ăn trong gia đình. Những anh lớn chị đều làm thợ hồ. Thấy mẹ cực khổ, một ngày sau bữa cơm, trong căn nhà nhỏ ở xóm Chài, có đầy đủ anh chị em, Sáu Tây tuyên bố: thay mẹ chạy đò. Khúc sông từ bến Ninh Kiều sang xóm Chài trở thành con đường sinh nhai trong 29 năm qua của Sáu Tây.

Tôi hỏi: "Những hôm giông mạnh, chị có sợ sóng nước không?". Chị cười: "Mình thuộc lòng và biết từng cơn sóng". Thoáng buồn, chị Sáu nói tiếp: "Hồi ấy, mẹ tôi chỉ để lại một chiếc xuồng ba lá. Giờ thì đã chèo, chạy đò qua mấy xác xuồng, ghe. Câu chuyện bị đứt đoạn, bởi có khách sang xóm Chài. Ba người khách với nhiều đồ đạc khiêng xuống ghe. Chị Sáu ngã người ra phía sau, bơi ngược ghe ra sông, rồi đưa chân đạp cần máy đuôi tôm, một tay giựt máy nổ và chiếc ghe từ từ rời bến Ninh Kiều.

 Cùng hoàn cảnh với chị Sáu Tây là chị Trần Thị Thu (Hai Hồng), trạc tuổi nhau, cùng một lứa nối nghiệp mẹ chèo đò. Nhưng chị Hồng có cái "may mắn" hơn chị Sáu Tây, chị có chồng và đã có hai con. "Nghề này bạc bẽo lắm cậu ạ. Mỗi ngày chỉ kiếm vài chục ngàn đồng. Hôm nào gặp khách Tây, khách ta sộp đi tham quan chợ nổi Cái Răng hay Phong Điền thì mới kiếm được vài trăm ngàn đồng", chị Hai Hồng tâm sự. Mà cũng phải, thời buổi vật giá cái gì cũng leo thang, người đưa đò vẫn lấy giá cũ với người quen: một ngàn đồng một người từ bến Ninh Kiều sang xóm Chài. Thi thoảng vài khách phương xa trả cao hơn. Nhưng một năm, có mấy bận họ qua xóm Chài! 

  • Nhọc nhằn câu chuyện mưu sinh 

Tôi hỏi có ai trong những người đưa đò ở bến Ninh Kiều nuôi con học đến đại học không? Tất cả đều lắc đầu!
 
Nghề lái đò ở bến Ninh Kiều thu nhập chỉ khoảng 40.000 – 70.000đ/người/ngày. Mỗi người đều phải nuôi 2-3 người thân trong gia đình. Hiện tại, họ không phải đóng thuế bến bãi, chỉ "đậu ké" bến tàu số 2 ở Ninh Kiều nên hoạt động cũng tùy thuộc vào "nắng mưa" của mấy ông nhân viên ở bến tàu này. Vui thì không có gì, "trở gió" thì cũng đừng hòng tìm được bến rước khách! Cuộc sống của họ rất chật vật. Chạy đò để bươn chải chạy gạo từng ngày, gần như không có dư. Theo chị Hai Hồng, ghe bể hoặc con cái ốm đau là phải vay nóng bạc hai mươi ở ngoài. Phân nửa trong số 40 người lái đò ở đây phải vay nóng vì túng tiền. "Vay một triệu, mỗi ngày trả bốn chục ngàn đồng, một tháng trả chủ một triệu hai trăm ngàn đồng", chị Hai Hồng giải thích về vay bạc hai mươi.
 
Đò cặp bến Ninh Kiều, chị Sáu Tây nhoẻn cười. Lúc này tôi mới có dịp quan sát, nước da của chị đã đen đúa vì nắng, môi đã thâm, chỉ có hàm răng của người phụ nữ lỡ thì là trắng tươi! "Này ông nhà báo, hôm nào kiếm cho tôi một ông chồng ngon lành, lực lưỡng được không", chị Sáu Tây hóm hỉnh. "Khao khát lắm sao mà đòi một ông lực lưỡng hả chi Sáu", chị Hai Hồng ngồi dưới đò vặn lại. Chị Sáu Tây lại nhoẻn cười đưa hàm trắng: "Tầm bậy, đặng ổng có sức chạy đò hụ hợ tao chứ!". "Bà này khôn chúa, hèn gì ế chồng", chị Hai Hồng chọc tiếp…
 
Chiều xuống. Đèn lồng đỏ đã rực sáng, bến Ninh Kiều nhộn nhịp không khí lễ hội chào đón Năm Du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008. "Tôi nhớ mãi lời bà già dạy, nghèo cho sạch, nghèo nhưng đừng hèn, cuộc sống luôn có niềm vui nếu mình bám vào một nghề chân chính", chị Sáu Tây nói rồi tự tin điều khiển hai mái chèo và một máy đuôi tôm, từ từ đưa khách rong chơi vào chợ nổi Cái Răng…. 

Cao Phong

 Nép mình ven theo bến Ninh Kiều, những người chạy đò “một máy hai chèo” ở đây đã tạo nên “một sản phẩm du lịch” đặc biệt của sông nước miền Tây. Cả khách Tây và khách ta muốn “du hí” nhanh sang cồn Ấu, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền đều khoái - vì giá cả lại phải chăng!

Tin cùng chuyên mục