Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Sân chơi của nhiệt huyết và đam mê

Trải qua 2/3 chặng đường Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, hơn 20 tác phẩm sân khấu của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã lần lượt trình diễn, tạo nên một bức tranh sân khấu nghệ thuật truyền thống nhiều sắc màu, cảm xúc. 
Cảnh trong Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Việt Nam - một trong những vở diễn được đầu tư cảnh trí hoành tráng

Dấu ấn lịch sử - chính trị

Điểm chú ý tại liên hoan năm nay là không ít vở diễn đề tài lịch sử, chính trị, xã hội tạo ấn tượng với khán giả. Trong đó, tác phẩm Thành phố buổi bình minh (Công ty TNHH Truyền thông văn hóa VHT - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đã thể hiện một giai đoạn của thành phố những ngày đầu mới giải phóng còn nhiều khó khăn, nhờ sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo kịp thời của các lãnh đạo giỏi, đã giúp cuộc sống người dân dần ổn định. Hay như Cuộc chiến thời bình (Nhà hát Cao Văn Lầu), nói về cuộc chiến không nhân nhượng giữa những cán bộ liêm chính và một vài cá nhân tha hóa. Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM) xây dựng hình tượng Bác Hồ trên hành trình tìm đường cứu nước và sự giúp đỡ hết mình của bạn bè quốc tế. Vở Cuộc đời của mẹ (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An) kể về người mẹ miền Nam cùng với bao đồng đội, đồng chí luôn giữ vững khí tiết, chung thủy, sắt son một tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Trong vở có cảnh cai ngục Côn Đảo tra tấn những người tù chính trị, được dàn dựng ấn tượng, khiến không ít khán giả rơi lệ… 

Đó là những vở diễn được đầu tư, chăm chút, phong cách dàn dựng nhẹ nhàng, cộng với tài năng ca diễn của dàn nghệ sĩ, diễn viên giỏi nên dễ xem, dễ đi vào lòng người. 

Bên cạnh đó, còn có những vở diễn tạo được cảm tình đối với người xem như: Phù sa đỏ (đoàn Văn công Quân khu 9), Nỗi niềm sau cuộc chiến (Hội Sân khấu Việt Nam - Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Cà Mau), Rạng ngọc Côn Sơn (Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Kim Tử Long), Thái hậu Dương Vân Nga (Sân khấu Lê Hoàng), Bão táp một vương triều (Nhà hát Nghệ thuật tổng hợp Đồng Nai), Kiếp tằm (đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Hiu hiu gió bấc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Những con sóng vô hình (Hội Sân khấu TPHCM), Hồn của đá (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam)… 

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Sân chơi của nhiệt huyết và đam mê ảnh 2 Ê kíp đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa Lê Hoàng với vở Thái hậu Dương Vân Nga

Cũ và vắng vẻ

Trước tiên đó là công tác quảng bá cho liên hoan của ban tổ chức còn khá khiêm tốn. Liên hoan diễn ra tại TP Tân An - tỉnh Long An nhưng nhiều khán giả ở đây lại không hề biết. Chưa kể, các buổi biểu diễn ban ngày rất vắng vẻ vì khán giả còn bận làm ăn, buôn bán, không thể đến xem.

Chị Thanh Trúc, nhà gần rạp hát, chia sẻ: “Tôi thích coi cải lương, nhất các đoàn cải lương miền Nam, nhưng công việc buôn bán tất bật, đi xem rồi bỏ hàng quán không ai trông coi. Chỉ có buổi tối rảnh rỗi mới tranh thủ chạy qua xem được vài vở”. Ngoại trừ hôm khai mạc và một vài buổi diễn có sự ủng hộ khá đông của cổ động viên các đoàn nghệ thuật, còn lại hầu như vắng bóng khán giả. 

Liên hoan có rất ít tác phẩm cải lương mới. Đa phần là những vở cũ được dàn dựng, tái dựng, làm mới cho phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của liên hoan và hướng đến nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay. Các đạo diễn phải vận dụng và đầu tư khá nhiều mảng miếng, cảnh trí, trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác dàn dựng, để tác phẩm thể hiện được sắc thái tươi mới. Vấn đề thiếu những kịch bản mới, chất lượng đã tồn tại qua nhiều kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu, như một minh chứng cho sự thiếu hụt đội ngũ tác giả có nghề, có tài năng. 

Mặt khác, nhìn toàn cảnh, dễ thấy sự lặp đi lặp lại một số đạo diễn tên tuổi làng sân khấu hai miền Nam - Bắc đứng tên các tác phẩm tham gia liên hoan. Thật hiếm hoi những gương mặt đạo diễn trẻ tại sân chơi chuyên nghiệp này. Đây cũng là một vấn đề cấp thiết cần được sự quan tâm từ phía Bộ VH-TT, Cục Nghệ thuật biểu diễn và cả Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Làm thế nào để những kỳ liên hoan sau sẽ xuất hiện nhiều hơn những gương mặt đạo diễn kế thừa, để liên hoan không còn chỉ là sân chơi của những đạo diễn tên tuổi, là một vấn đề cần quan tâm nghiêm túc. 

Ngoài ra, tại liên hoan lần này, bên cạnh những vở diễn chất lượng, ban giám khảo và khán giả mê cải lương không khỏi tiếc nuối khi vẫn còn một số đơn vị nghệ thuật chưa chỉn chu, kỹ lưỡng trong đầu tư thực hiện tác phẩm. Có những vở diễn còn nhiều thiếu sót trong dàn dựng và biểu diễn; một số tình tiết câu chuyện lắp ghép khiên cưỡng, không hợp lý; cách xử lý tình huống kịch bản ẩu; cách thức tuyên truyền một vấn đề mang tính xã hội đầy sáo rỗng… Chưa kể, một số nghệ sĩ, diễn viên đóng vai người dân nơi thôn quê, vùng sâu vùng xa nhưng lại phục trang không phù hợp! 

Lại chuyện chia giải

Với các đơn vị nghệ thuật công lập và cả dân lập - xã hội hóa, việc tham gia liên hoan bằng một vở diễn hoàn chỉnh là công sức của cả một tập thể; là sự lo toan về kinh phí đầu tư, dàn dựng để cho ra một tác phẩm đem lại dấu ấn đẹp cho người xem. Nhiều gương mặt diễn viên trẻ có thực tài cũng ghi điểm với ban giám khảo và khán giả, đáp ứng được cả sắc vóc và thực lực ca diễn trên sân khấu. Đây chính là nét đẹp, là điểm sáng của liên hoan. 

Tuy nhiên, vấn đề giải thưởng, huy chương được trao sau mỗi cuộc liên hoan cũng gây nên không ít xôn xao trong dư luận. NSƯT Lê Tứ tâm tư: “Lâu nay, dù sân khấu gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn còn một lực lượng anh em nghệ sĩ bám nghề. Vậy nên các cơ quan có thẩm quyền cần làm sao để anh em thấy được tương lai của bộ môn nghệ thuật cải lương, để họ còn tiếp tục gắn bó. Hiện nay, quy chế phong tặng NSND, NSƯT lệ thuộc rất lớn vào các huy chương. Qua những cuộc liên hoan, hội diễn như thế này, các huy chương, giải thưởng dường như để phân chia cho đều, cơ cấu giải thưởng mang tính cào bằng. Vấn đề này làm giảm giá trị của các huy chương giải thưởng, đồng thời khiến không ít anh em nghệ sĩ không tin tưởng và tham gia liên hoan. Theo tôi, nếu không giải quyết được tình trạng rải đều huy chương như thế thì nên để dành kinh phí tổ chức liên hoan, hội diễn để xây dựng cải lương theo một cách khác”.   

Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đem đến liên hoan những vở cải lương nhiều tâm huyết. Vậy thì, ngoài việc liên hoan để các đơn vị nghệ thuật tự nhìn và đánh giá lại quá trình hoạt động của mình; nghệ sĩ sân khấu có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thì cũng cần có sự công bằng trong việc chấm điểm và trao các giải thưởng. Làm sao để liên hoan luôn là một sân chơi chất lượng với cả những người làm nghề và khán giả mộ điệu.

Tin cùng chuyên mục