Liên hoan, hội diễn sân khấu - Hiệu quả mơ hồ!

Sau hơn 10 ngày tham dự “Lễ hội Kijimuna Festa 2012” và “Hội nghị Hiệp hội Sân khấu Thanh thiếu nhi quốc tế Assitej” tại Nhật Bản, đoàn Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng vừa trở về TPHCM, sau khi tạo ấn tượng đẹp với khán giả nước ngoài và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý.

Sau hơn 10 ngày tham dự “Lễ hội Kijimuna Festa 2012” và “Hội nghị Hiệp hội Sân khấu Thanh thiếu nhi quốc tế Assitej” tại Nhật Bản, đoàn Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng vừa trở về TPHCM, sau khi tạo ấn tượng đẹp với khán giả nước ngoài và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý.

Ở lễ hội này, trong số 130 chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật tham gia, Nhật Bản chiếm 50%, còn lại là của các nước, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đây là cơ hội rất tốt để Nhật Bản quảng bá văn hóa truyền thống của mình và là điều kiện thuận lợi nhất để người dân Nhật Bản có thể tiếp cận được với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, thông qua sự kiện này người ta còn nhận thấy sự chăm sóc văn hóa đặc biệt dành cho trẻ em ở đây rất được chú trọng. Từ đầu tháng 8, ở Nhật Bản có rất nhiều liên hoan dành cho trẻ em và nếu tính cả năm thì có khoảng gần 70 liên hoan như thế. Với sự quan tâm này, Nhật Bản đã và đang chuẩn bị chu đáo cho lực lượng trẻ kế thừa việc phát triển văn hóa dân tộc và chính điều này đã có những ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển chung của Nhật Bản trên tất cả lĩnh vực. Từ đó cho thấy, cách tổ chức văn hóa, xây dựng những con người văn hóa của Nhật Bản hết sức chu đáo.

Trở về từ lễ hội, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn liên tưởng và trăn trở về cách thức tổ chức liên hoan, tổ chức hoạt động văn hóa ở Việt Nam thường là làm theo cách cũ, chạy theo “thành tích” là chính, ít chú trọng đến tính cộng đồng, đến thế hệ mầm non đất nước.

Anh bày tỏ: “Hầu hết các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu đều chạy theo thành tích huy chương, ít thiết thực cho đời sống và lãng phí không nhỏ tiền bạc, công sức đóng góp của người dân. Hiệu quả của những liên hoan, hội diễn còn hết sức mơ hồ! Tôi nghĩ, ở TPHCM có một liên hoan sân khấu rất ý nghĩa, rất hay được đông đảo công chúng đồng tình ủng hộ. Đó là Liên hoan Sân khấu mùa thu năm 1998. Ở liên hoan này không hề có một huy chương, giải thưởng nào, nhưng đó là những ngày hội thật sự của những người làm sân khấu. Nếu được, thành phố nên cho khôi phục lại liên hoan này với tên gọi là Liên hoan Sân khấu TPHCM và có thể tổ chức hàng năm hoặc 2 năm 1 lần, và khi liên hoan như vậy được tổ chức, các đơn vị nghệ thuật tham gia có thể giảm 50% giá vé dành cho tất cả khán giả đến xem vở diễn của mình, tạo không khí giao lưu giữa những người làm nghệ thuật với công chúng”.

 Ngoài ra, với loại hình sân khấu thiếu nhi cũng cần được chú trọng tổ chức sinh động, phù hợp để tạo sức hấp dẫn các em nhỏ. Thực hiện những việc làm này cũng sẽ là cơ hội rất tốt để những người làm văn hóa, làm nghệ thuật của thành phố đóng góp công sức và tinh thần trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đời sống văn hóa thành phố nói chung.

Có thể nói, trong điều kiện của sân khấu hiện nay còn nhiều khó khăn, đề xuất của những người tâm huyết với nghề cần được cơ quan chức năng nghiên cứu và xem xét cụ thể.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết từ nay đến cuối năm 2012 chuẩn bị mở 1 điểm biểu diễn múa rối phục vụ du khách tại Hội An. Dự kiến kết hợp với đối tác ở Mỹ, Nhật Bản để mở rộng thị trường, đưa loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này sang biểu diễn thường xuyên phục vụ công chúng và tuyên truyền văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục