Liên kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Sở Công thương TPHCM vừa có cuộc làm việc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. 
Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải thay đổi chính sách hỗ trợ và kết nối thị trường để doanh nghiệp có thể từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp khẳng định, có rất nhiều linh kiện chi tiết mà doanh nghiệp nội làm được nhưng không thể cạnh tranh giá thành với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khác, nguyên nhân là do nội lực còn yếu. Giữa các doanh nghiệp trong nước còn thiếu sự liên kết để tạo nên cụm sản phẩm đa chi tiết và hiện chủ yếu chỉ đáp ứng tiêu chí nhà cung ứng cấp 3, 4. Mặt khác, do chính sách hỗ trợ của các ban ngành, địa phương thiếu bền vững, dẫn đến chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp thiếu ổn định và chủ động.
Về phía chuyên gia tham gia hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu suất sản xuất cũng không gắn bó với chương trình lâu dài, dẫn đến hiệu quả chương trình không tốt.
Đại diện Hiệp hội Cơ khí TPHCM cho rằng, còn nguyên do khác là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nguyên nhân xuất phát từ thực tế doanh nghiệp ngại thủ tục hành chính và không phải sở ban ngành nào cũng nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp. 
Kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất và thu mua linh kiện ở khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cho thấy, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn sản xuất ô tô trong nước và trên thế giới, các doanh nghiệp không thể thu mua những sản phẩm rời rạc mà mua những cụm sản phẩm hoàn thiện, tức là chỉ thu mua của những đơn vị có khả năng làm nhà cung ứng cấp 1. Còn các nhà cung ứng cấp 1 sẽ có trách nhiệm tập hợp thu mua và hoàn thiện cụm linh kiện đa chi tiết từ những nhà cung ứng cấp 2, 3. Do vậy, với năng lực sản xuất và sản phẩm của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ hiện chỉ có thể tham gia nhà cung ứng cấp 2 hoặc cấp 3, 4. Rất ít doanh nghiệp có khả năng cung ứng cấp 1. 
Để có thể cung ứng cũng có thể sản xuất sản phẩm hoàn thiện, cần thiết phải xây dựng doanh nghiệp đầu đàn. Doanh nghiệp này phải có khả năng kết hợp với những doanh nghiệp khác để cùng tạo ra cụm linh kiện đa chi tiết hoàn thiện. Đây cũng có thể được xem là mô hình doanh nghiệp đầu đàn và chuỗi cung ứng.
Mặt khác, doanh nghiệp đầu đàn và chuỗi phải kiên trì để từng bước đạt được tất cả những tiêu chuẩn mà tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối đặt ra. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cần phải đi từng bước chậm nhưng chắc. Trước hết, các cơ quan chức năng cần phải chọn những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự.
Kế đến lên kế hoạch để triển khai hỗ trợ cụ thể. Trong đó, phải xác lập rõ chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn và doanh nghiệp tham gia chuỗi của doanh nghiệp đầu đàn. Từ đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu đàn đổi mới sản xuất, kết nối doanh nghiệp liên quan sản xuất được cụm thiết bị đa chi tiết, đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 cho tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối. Đi kèm với đó là điều kiện buộc các doanh nghiệp đầu đàn trong một thời gian nhất định, sau khi ổn định đầu ra thì phải hỗ trợ lại những doanh nghiệp khác trong nước cùng phát triển hoặc liên kết để tiến tới sản xuất cụm sản phẩm hoàn thiện.
Đại diện Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho biết thêm, tùy theo hiện trạng của doanh nghiệp sẽ đưa ra quy trình kiểm soát chất lượng và đạt những chứng nhận tiêu chuẩn phù hợp. Điều này cũng tạo điều kiện cơ bản cho doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường ở những phân khúc nhất định.
Về phía cơ quan chức năng cần tạo những mô hình điểm và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đã thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ nhân rộng mô hình thực tiễn cho các doanh nghiệp khác. Như thế sẽ tạo hiệu quả triển khai thực hiện rất cao; tránh tình trạng hỗ trợ mỗi doanh nghiệp một phân khúc, kết quả sẽ không cao.

Tin cùng chuyên mục