Liên kết dữ liệu KH-CN: Lợi cả đôi đường

Hệ thống liên kết dữ liệu của 12 tổ chức KH-CN là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện cùng với dữ liệu của Sở KH-CN và Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN (CESTI) sẽ hình thành một hệ thống dữ liệu KH-CN phong phú, hữu ích. Đến tháng 9-2018, hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM sẽ chính thức ra mắt cộng đồng, sẽ phục vụ mạnh mẽ nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TPHCM. 
Các doanh nghiệp KH-CN chia sẻ thông tin với nhau và trong nay mai, các doanh nghiệp này còn chia sẻ, cập nhật thông tin từ hệ thống nhiều hơn nữa. Ảnh: BÁ TÂN
Các doanh nghiệp KH-CN chia sẻ thông tin với nhau và trong nay mai, các doanh nghiệp này còn chia sẻ, cập nhật thông tin từ hệ thống nhiều hơn nữa. Ảnh: BÁ TÂN

Liên kết với các trường đại học

Đề án “Liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM” được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6770/QĐ-UBND ngày 27-12-2016. Sở KH-CN là đơn vị chủ trì, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện… trên địa bàn TPHCM tổ chức liên kết, chia sẻ thông tin về các nhiệm vụ KH-CN và thông tin KH-CN do các đơn vị tham gia tạo lập và được quyền khai thác (sách, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH-CN…).

Mới đây, các đại diện trường đại học: ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải - phân hiệu tại TPHCM, ĐH Hùng Vương, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã trực tiếp ký kết thỏa thuận tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN trong năm 2019 cùng Sở KH-CN TPHCM là một bước phát triển lớn cho hệ thống này.

Việc ký kết thỏa thuận còn cho thấy đề án tiếp tục triển khai mở rộng tại TPHCM. Sở kỳ vọng mỗi năm đều phát triển thêm nhiều đơn vị tại TPHCM tham gia kết nối và chia sẻ thông tin KH-CN. Bên cạnh đó, trong năm 2019, hệ thống sẽ bổ sung các tính năng tiện ích cho người dùng và các đơn vị thành viên (như tìm kiếm thông minh, newsletter, ứng dụng di động); truyền thông, giới thiệu đến rộng rãi người dùng. Ký kết này còn thêm nguồn thông tin KH-CN quý giá cho hệ thống. 

Được biết, qua quá trình xây dựng, khâu đầu tiên của đề án là khảo sát và phân tích chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu vào hệ thống liên kết sẽ được thực hiện từ tháng 5-2018. Đến tháng 9-2018, hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM sẽ chính thức ra mắt cộng đồng. Còn theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, năm 2018 hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng tại địa chỉ www.stinet.gov.vn. 

Dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ

GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Việc sử dụng, ứng dụng các thông tin KH-CN rất quan trọng. Hiện nay trên địa bàn TPHCM mỗi trường, viện, đơn vị có những nguồn thông tin khác nhau nhưng các nguồn thông tin này chưa được tích hợp với nhau để hoạt động hiệu quả. Do đó, Sở KH-CN TPHCM đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quyết định xây dựng đề án liên kết nguồn lực thông tin KH-CN”.  

Hiện hệ thống này liên kết dữ liệu của 12 tổ chức KH-CN là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện cùng với dữ liệu của Sở KH-CN và CESTI. Cụ thể, hệ thống đã liên kết và chia sẻ hơn 145.000 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 15.300 tài liệu toàn văn, gồm hơn 12.000 tài liệu toàn văn của 8 đơn vị (viện, trường, thư viện), 2.277 toàn văn kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN từ CESTI và 1.025 dữ liệu từ Sở KH-CN (626 chuyên gia, 134 phòng thí nghiệm, 208 tổ chức KH-CN, 57 doanh nghiệp KH-CN). 

Về kỹ thuật, có 9 đơn vị đã kết nối cập nhật dữ liệu tự động cho hệ thống (CESTI, ĐH Y Dược, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Ngân hàng…); 5 đơn vị thực hiện cập nhật dữ liệu qua file; 10 đơn vị đã đặt link liên kết giới thiệu trên website đơn vị. Website phục vụ từ tháng 3-2019 đến nay có hơn 3.000 lượt truy cập. Các công cụ tìm kiếm bao gồm tìm kiếm đơn giản, tìm kiếm nâng cao, tìm trên mọi trường, tìm kiếm trong khoảng thời gian nhất định… Có thể hình dung việc tra cứu trên hệ thống khá đơn giản, tương tự như cơ chế của Google.

TS Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chia sẻ: “Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận thông tin KH-CN nhưng phương thức được Sở KH-CN giới thiệu là phương thức khoa học, dễ tiếp cận và tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Càng nhiều người tiếp cận được thì giá trị của thông tin KH-CN càng được nhân lên”. 

Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, Nguyễn Kỳ Phùng, cho biết thêm: “Đề án liên kết nguồn lực thông tin KH-CN đã triển khai được một thời gian, bước đầu đáp ứng mong muốn liên kết các đơn vị lại với nhau nhằm chia sẻ nguồn lực thông tin phong phú, đầy đủ hơn, phục vụ mạnh mẽ nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TPHCM. Sở KH-CN đã chia sẻ các kết quả đề tài nghiên cứu để các nhà nghiên cứu, sinh viên theo dõi và sử dụng (miễn phí) nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, giảng dạy.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Sở KH-CN TPHCM đã và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, trường, viện khảo sát và phân tích chuẩn hóa dữ liệu từ các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, các doanh nghiệp KH-CN, tổ chức hoạt động KH-CN và các chuyên gia KH-CN trong 4 ngành công nghiệp chủ lực để đưa vào hệ thống liên kết thông tin.

Tin cùng chuyên mục