Liên tiếp phản ứng sau tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem: Còn lâu mới có vaccine dịch vụ!?

Liên tiếp phản ứng sau tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem: Còn lâu mới có vaccine dịch vụ!?

(SGGPO).- 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine "5 trong1" Quinvaxem trong đó có 8 ca tử vong, đặc biệt trong vòng 1 tuần qua đã xảy ra 2 trường hợp tử vong sau khi loại vaccine này. Thực tế này đã khiến những gia đình có trẻ nhỏ rất lo lắng và mong muốn được tiêm vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix thay thế Quinvaxem dù chi phí cao. Tuy nhiên đại diện Bộ Y tế cho biết hiện nay cả 2 loại vaccine dịch này đều rất khan hiếm...

Vaccine 5 trong1 Quinvaxem

Muốn nhập cũng không được

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ nay tới cuối năm 2015 sẽ khó có thể có vaccine dịch vụ và cả sang năm 2016 cũng chưa biết được chúng ta có được là bao nhiêu liều, vì thế 2 loại vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix sẽ vẫn còn rất khan hiếm trong thời gian tới. "Không phải vì Bộ Y tế không cho các công ty nhập khẩu vaccine dịch vụ để phục vụ nhu cầu người dân mà chính là việc các hãng sản xuất vaccine của nước ngoài không có vaccine để cung cấp cho chúng ta" - PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích.

Để làm rõ hơn việc khan hiếm 2 loại vaccine dịch vụ trên, đại diện Bộ Y tế cho biết, tại Singapore và một số quốc gia phát triển vẫn có đủ vaccine dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infanxix là do họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, muốn có vaccine phải đặt hàng 2-3 năm. Trong khi đó, các công ty nhập khẩu của Việt Nam thường mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên các hãng sản xuất luôn ưu tiên đơn hàng lớn và đặt hàng dài hạn.

"Việt Nam giờ muốn nhập cũng không được vì họ không đủ nguồn vaccine. Ngoài ra các vaccine dịch vụ khác như: thủy đậu, sởi, viêm não mô cầu... cũng trong tình trạng khan hiếm như 2 loại vaccine "5 trong 1" và "6 trong 1", khó đáp ứng nhu cầu của người dân."- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Tuy nhiên dù vaccine dịch vụ đang rất khan hiếm, Bộ Y tế luôn kiên quyết nghiêm cấm việc tiêm vaccine dịch vụ tại nhà, cũng như việc nâng giá vaccine.

Nguy cơ tử vong tương đương nhau

Trước tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ và nỗi lo lắng của những gia đình có trẻ nhỏ về nguy cơ phản ứng, tai biến sau khi tiêm vaccine "5 trong 1" Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đại diện cơ quan Phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế cho biết, thực tế bất kỳ loại vaccine nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định sau tiêm, trong đó kể cả dẫn đến tử vong. Ngay như vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào Quinvaxem và vaccine có thành phần ho gà vô bào (vaccine dịch vụ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ rõ, tỷ lệ phản ứng nhẹ của vaccine vô bào là thấp hơn, nhưng còn phản ứng nặng và tử vong là tương đương giữa 2 loại vaccine.

Phụ huynh xếp hàng đăng ký tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ

Tính từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước đã ghi nhận 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem được báo cáo, trong đó 8 ca tử vong. Tuy nhiên, khi Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem đã làm rõ có 7 trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp sốc phản vệ. "Trẻ tử vong sau tiêm vaccine có thể do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Nguyên nhân thứ hai có thể do vaccine gây nên, thứ ba là có thể do thực hành tiêm chủng và thứ tư là do chính cơ địa của cháu bé. Cùng lô vaccine, cùng loại vaccine tiêm 10 cháu khác không sao nhưng cũng có thể có một cháu bị phản ứng...", PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trẻ có thể mắc bệnh trong thời gian chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ, người dân cần thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng 

Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5 ca/1 triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca phản ứng/1 triệu liều sử dụng. Do tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem ở nước ta vẫn nằm trong khuyến cáo cho phép của WHO nên loại vaccine này vẫn được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì nếu không tiêm vaccine thì khi dịch bệnh bùng phát nguy cơ tử vong của trẻ sẽ rất lớn. "Như bài học qua vụ dịch sởi năm năm 2014, hay gần đây là bệnh ho gà, bạch hầu tái bùng phát... qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccin phòng bệnh không đầy đủ. Vì thế, việc chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng. Các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn....”, PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ rõ.

Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân về vaccine Quinvaxem, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm tổ chức trả lời trực tuyến tất cả những vấn đề liên quan đến vaccine Quinvaxem. Đồng thời khẳng định hiện nay trên thế giới có tới hơn 90 nước đang sử dụng vaccine Quinvaxem để tiêm chủng cho trẻ nhỏ nên Bộ Y tế vẫn tiếp tục sử dụng vaccine Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Liên quan tới việc khan hiếm vaccine dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay lượng vaccine nhập về Việt Nam để tiêm dịch vụ không đủ và việc tìm nguồn cung cấp là rất khó khăn.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục