Lính đảo làm nông

Dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, trên quần đảo Trường Sa vẫn có những luống rau xanh ngát, những đàn gà, vịt, heo lớn mơn mởn… giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các chiến sĩ.
Trồng rau tại những khoảng trống trên Nhà giàn DK11
Trồng rau tại những khoảng trống trên Nhà giàn DK11
 Có được “thành tích” này là nhờ vào các chiến sĩ đã nghiên cứu, vận dụng kiến thức thực tiễn cùng sự hỗ trợ từ đất liền, để nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Nhạc kiểu nào cũng múa”

Vài năm trở lại đây, cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã tăng gia sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo lương thực thực phẩm. Tùy theo địa hình đặc thù mà mỗi đảo có cách sản xuất khác nhau cho phù hợp. Là một trong những đảo nổi, đảo Sơn Ca hiện nay cũng có hơn 1.000m2 diện tích trồng rau ăn lá, trong đó có 800m2 trồng trong nhà màng. Không những thế, còn nuôi hơn 200 con gà, vịt, ngan và trên 10 con heo. Đàn gà, vịt nuôi đẻ trứng lấy ăn và chỉ có dịp lễ, cuối tháng mới giết mổ đối với những con gần già. Tương tự, heo cũng đẻ từng đàn rất nhiều, trung bình 2 tháng giết mổ 1 con. Chỉ có các loại nông sản củ quả (bí đỏ, khoai tây, cà rốt…) không thể trồng được thì mới chờ tàu hậu cần mang từ đất liền ra, có thể trữ được thời gian dài.

Những mô hình nhà màng được nhiều cơ quan nông nghiệp giúp triển khai ở các đảo nổi cách đây vài năm, đến thời điểm này, giàn khung làm bằng nhôm đã sét gỉ. Thay vào đó, bộ đội dùng cây tre để thay thế. Đặc biệt, trên đảo nổi Song Tử Tây, các quân nhân đã có sáng kiến thay các khung sắt bằng trụ bê tông, sau đó dùng lưới để che mái. Các bức tường trở thành rào chắn kiên cố cản gió biển, hơi mặn “xâm nhập” vào rau. Nhờ vậy, những luống rau trên đảo Song Tử Tây phát triển quanh năm, đảm bảo nguồn rau thực phẩm cho bộ đội. Bên cạnh đó, nhờ diện tích rộng có nhiều bãi cỏ mà từ 2 con bò ban đầu, nay đã thành đàn 5 con (trong đó đã mổ thịt một vài con). Đàn heo, gà, vịt nay đã có hơn 200 con.

Ngay cả tại những đảo nổi rất nhỏ cũng được các chiến sĩ tận dụng diện tích một cách hợp lý để có thể trồng trọt và chăn nuôi. Như trên các đảo Cô Lin, Đá Đông A, Tốc Tan C…, vườn rau được trồng vào những chậu để dọc hàng lang tạo thành luống rau xanh tươi. Xung quanh, tầng trệt được nuôi heo, gà, vịt… Với những đảo có đất thì ở các nhà giàn DK trên biển, việc canh tác cũng phát triển khá tốt. Tại đây, vườn rau được trồng trong chậu nằm xen kẽ vào các khoảng trống xung quanh sân bay.

Chống chọi với thời tiết khắc nghiệt

Bao quanh các đảo là biển nên độ mặn rất cao, thường xuyên xảy ra các trận mưa, bão kèm theo gió lớn. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để tăng gia sản xuất. Cơn bão số 16 vào năm 2017 đã làm nhiều đảo ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều đảo nổi bị những cơn sóng lớn đánh lên bờ, khiến đất bị nhiễm mặn làm toàn bộ rau khô héo. Đồng thời, nước ngọt cũng bị ảnh hưởng, không có nước phục vụ trong chăn nuôi, trồng trọt. Hiện đang trong quá trình cải tạo đất.
Hiện nay, nhiều đảo đang nuôi thêm các loài gia cầm, trồng nông sản có thể chịu được môi trường biển. Vịt biển vừa mới đưa vào nuôi thử nghiệm. Vịt biển buộc phải sống vừa dưới nước vừa trên bờ. Nhưng ở các đảo nổi, do có sóng lớn nên bao quanh đảo phải xây dựng bờ kè cao, do vậy khi vịt xuống biển thì không lên bờ được, còn nếu ở trên bờ thì không xuống nước được. Ngược lại, các đảo chìm có nhiều san hô, có nhà che chở nên vịt biển phát triển được.
Nói về phương thức trồng trọt tại Nhà giàn DK11, một cán bộ cho biết vào mùa nắng thì để trên mái nhà giàn cho rau tươi xanh tốt, mùa mưa thì mang xuống khu vực chung với chăn nuôi. Tại đây, khu vực phía dưới nhà giàn được xây dựng thành một khu trồng trọt, chăn nuôi tập trung.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Sơn Ca, sản xuất nông nghiệp trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Ước tính trung bình một năm có hơn 200 cơn gió lớn, chưa kể bão. Trước kia, khi chưa có nhà màng, thì đến mùa gió lớn hơi mặn thổi vào khiến rau không thể sống được. Tuy đơn vị có “nông dân giỏi” (xuất thân từ gia đình làm nông) có thể giúp rau trồng phát triển, nhưng không xanh tốt mà teo tóp. Gia cầm cũng bị ảnh hưởng, chỉ còn trơ xương, không có thịt để ăn. Đến khi có 2 nhà màng đưa vào sử dụng, vườn rau cho lá to, giúp cải thiện bữa ăn cho bộ đội vào mùa mưa bão. Cộng thêm, từ khi có thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt, vấn đề nước uống cho gia cầm trong mùa nắng đã được giải quyết. Đại úy Trần Phương Thức (đảo Cô Lin) cho hay, nhờ biết cách bố trí mà đảo có khoảng 70m² diện tích trồng rau, trong đó có 40m² được trồng trong nhà màng. Không giống các đảo khác, nhà màng trên đảo Cô Lin được thiết kế sau nên toàn bộ tường nhà màng làm bằng nhựa, giàn khung bằng nhôm có sơn chống sét gỉ, nên tuổi thọ cao hơn. Với sự sáng tạo, hiện vườn rau đang được thiết kế theo mô hình kim tự tháp nhằm tăng diện tích trồng ở khu vực ít đất. Đối với đảo chìm, đất phải thường xuyên cải tạo và bón phân một cách hợp lý thì rau mới tươi tốt, phát triển đều. Nhờ vào nhà màng mà vài năm gần đây, vườn rau có thể chống chọi được với mùa bão, mùa gió lớn, giảm thiểu mức hư hại. Thường ngày, bộ đội đánh bắt những con cá nhỏ bằng cách bỏ rọ lưới ngoài biển, chờ nước rút là cá nằm trong rọ, sủ dụng làm thức ăn cho gia cầm.

Tin cùng chuyên mục