Lính đảo Trường Sa sống xanh

Sống giữa biển khơi trong môi trường khắc nghiệt nắng gió quanh năm, các chiến sĩ trên đảo chìm Đá Lát (Trường Sa) đã biết cách tận dụng tối đa từng giọt nước ngọt, cọng rác thải sinh hoạt qua công trình thanh niên “Phân rác tại nguồn, giữ từng giọt nước”, với hiệu quả mang lại không nhỏ…

“Chị đưa em cái túi rác để bỏ vào công trình thanh niên của đảo”, chiến sĩ Đỗ Ngọc Trường vừa nói, vừa đỡ lấy bịch ni lông bên trong chứa đủ thứ rác thải từ tay chị Kim, thành viên đoàn đại biểu TPHCM lên thăm đảo.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên về nơi bỏ rác mang tên công trình thanh niên, chiến sĩ Trường nắm tay dẫn ra phía sau nhà chỉ huy, cạnh vườn rau, giới thiệu về 3 túi phân rác treo trên vách tôn.

Trường nói: “Túi này là rác bao ni lông, giấy, kia là túi rác chai nhựa, vỏ lon và túi chứa rác các loại dễ phân hủy. Loại rác dễ phân hủy được anh em lấp ủ thành phân hữu cơ, chăm bón rau rất tốt. Còn hai túi rác kia để riêng, đóng thành bao lớn khi nào có tàu ra gửi về đất liền bán lấy tiền gây quỹ cho Chi đoàn thanh niên đảo”.

Cái được lớn nhất từ công trình thiết thực này, theo Đỗ Ngọc Trường, không chỉ là số tiền không nhỏ thu về mỗi năm từ bán ve chai, nguồn phân chăm bón rau xanh (thay vì phải mua), mà còn là ý thức bảo vệ môi trường biển của người lính đảo được nâng lên rõ rệt. Đến nay, hễ thấy cọng rác thải, vỏ chai hay mảnh bìa, tờ báo cũ… là anh em gom lại và phân loại bỏ vào túi rác phù hợp. 

Nội dung “giữ từng giọt nước ngọt” của công trình thanh niên trên đảo cũng được người lính thực hiện rất hiệu quả theo cách phân loại từng loại nước đã qua sử dụng, có thể sử dụng lại vào mục đích khác.

Các thùng đựng nước được treo ngay ngắn ở nơi thuận tiện nhất để mỗi chiến sĩ khi tắm giặt, đánh răng, rửa mặt, lau nhà hay rửa rau, vo gạo… đều tìm cách hứng giữ lại phần nước thải ra rồi mang đến các thùng chứa đổ vào.

Như khi tắm chẳng hạn, ai cũng phải tắm qua nước biển trước rồi mới đứng vào xô lớn tráng qua vài ca nước ngọt. Nước thải ra này được đổ vào thùng chứa nước tưới cây, tưới hoa quanh doanh trại, hoặc trộn với nước vo gạo, nước rửa rau dùng tưới vườn rau.

Nhờ vậy mà mùa nắng nóng vừa qua, toàn đảo vẫn bảo đảm được lượng nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, tăng gia, không bị thiếu như những năm trước kia.

Theo Thượng úy Nguyễn Trần Giang, Chính trị viên đảo Đá Lát, hiện trên các đảo, điểm đảo của Trường Sa đều thực hiện phân loại rác tại nguồn và cách sử dụng nước ngọt tiết kiệm như công trình “Phân rác tại nguồn, giữ từng giọt nước” tại đảo.

Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, xem việc làm này là nghĩa vụ, trách nhiệm. 

“Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”. Đó là cảm nhận của các thành viên trong đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM khi đến thăm đảo Đá Lát và các đảo, điểm đảo Trường Sa trong hải trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” vừa qua. Và, chúng tôi đều chung một suy nghĩ: “Lính đảo Trường Sa làm được, tại sao đất liền không làm được”.

Tin cùng chuyên mục