Lò gạch thủ công gây ô nhiễm

Gần 20 năm qua, người dân xã Đăk Blà (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khốn khổ vì hàng chục lò gạch thủ công nằm ngay giữa khu dân cư nhả khói gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng tại làng Kon Mơ Nây (thôn Kon K’Tu 1) đã có hơn 10 lò gạch ngày đêm bốc khói.

Ông A Hnhưr (ở làng Kon Mơ Nây) bức xúc: “Ngày trước, mới chỉ có 4-5 lò gạch trong làng, mọi người đã khổ mỗi khi họ đốt lò, bây giờ có hơn chục lò gạch thay nhau nhả khói, chúng tôi tức thở vì mùi nồng nặc của khí than và khói phủ đen ngòm. Có ngày phải đóng kín cửa, hoặc phải chạy ra ngoài vì khói bay vào khắp nhà”.

Không chỉ ảnh hưởng đến khu dân cư, 20 cháu nhỏ từ 3-5 tuổi học lớp mầm non Kon K’Tu 1 cũng chịu ảnh hưởng nặng từ các lò gạch thủ công này.

Chị Y Tưr cho biết: “Nhiều  lúc đang giờ trẻ học, người ta đốt lò, khói đen phả vào lớp học, cô giáo phải dẫn các cháu di chuyển đến nhà rông của làng để tránh khói”.

Lò gạch thủ công gây ô nhiễm ảnh 1 Các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường khu dân cư suốt gần 20 năm qua
Rất nhiều người dân ở Kon K’Tu 1 bức xúc vì khói đen từ lò gạch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân ở đây, mà còn khiến cây cối xung quanh không thể phát triển được.

Bên cạnh đó, việc khai thác đất sét để làm gạch từ nhiều năm nay đã khiến cho hiện trạng đất đai xung quanh biến dạng. Con suối Chà Mòm phía sau làng không còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nữa, do bị xói lở hai bên bờ và ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi cuộc sống của người dân địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hàng chục lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường suốt gần 20 năm qua, nhưng các cấp, các ngành ở đây vẫn chưa đưa ra giải pháp kiên quyết và hiệu quả để khắc phục.

Ông Trịnh Lê Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 30 lò gạch thủ công hoạt động, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân cư. Trước sự bức xúc và kiến nghị của người dân địa phương, UBND xã Đăk Blà đã tổ chức nhiều cuộc họp, yêu cầu các lò gạch trong khu dân cư dừng hoạt động và tháo dỡ. Đối với các lò gạch thuê đất của xã, phải san lấp mặt bằng trả lại nguyên trạng đất đai. Nhưng đến nay, chưa có chủ lò nào thực hiện chủ trương của xã”.

Được biết đầu năm 2013, UBND tỉnh Kon Tum đã có Kế hoạch số 286/KH-UBND về việc phát triển vật liệu xây không nung và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch này, trong năm 2014 các lò gạch thủ công trên địa bàn TP Kon Tum phải di dời vào khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn TP Kon Tum vẫn còn 310 lò gạch thủ công hoạt động, trong đó 104 lò nằm ngoài quy hoạch tại phường Ngô Mây và các xã Kroong, Hòa Bình, Ngok Bay, Đăk Blà.

Tin cùng chuyên mục