Lo lắm, Thông tư 30!

Trong tháng 1-2015, một cuộc khảo sát nhỏ mang tên “Khảo sát mức độ hài lòng về Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT” được thực hiện trên trang mạng xã hội “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” - một cộng đồng mạng thu hút hơn 21.000 lượt thành viên đăng ký tham gia.

Trong tháng 1-2015, một cuộc khảo sát nhỏ mang tên “Khảo sát mức độ hài lòng về Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT” được thực hiện trên trang mạng xã hội “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” - một cộng đồng mạng thu hút hơn 21.000 lượt thành viên đăng ký tham gia.

Nội dung khảo sát bao gồm 13 câu hỏi, xoay quanh các vấn đề về hiểu biết Thông tư 30 và tác động của Thông tư 30 đến hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh tiểu học. Cuộc khảo sát đã nhận được rất đông người tham gia, chủ yếu là giáo viên vì đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các ý kiến tham gia đều nhìn nhận Thông tư 30 dưới góc độ đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học (82,2%), chứ chưa nhận thức được mục đích sâu xa của việc thực hiện đổi mới là cải cách toàn diện giáo dục ở bậc tiểu học, từ việc thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá đến thay đổi phương pháp học tập của học sinh, đổi mới cách dạy học và quản lý lớp học của giáo viên. Bên cạnh đó, do việc triển khai thông tư hiện nay còn nhiều bất cập nên giáo viên phải chịu áp lực khá lớn từ việc phải hoàn thành quá nhiều loại sổ sách như học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh, giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh... Trong đó, sổ theo dõi chất lượng buộc giáo viên phải ghi chép gần như mỗi ngày, cả nhận xét tổng quát và sửa chữa từng lỗi sai sót của học sinh. Chính vì thế có hơn 95% ý kiến cho rằng việc thực hiện Thông tư 30 khiến khối lượng công việc giáo viên tăng lên, góp phần làm giảm thời gian tương tác trên lớp giữa giáo viên và học sinh. Thêm vào đó, 92,5% ý kiến cho rằng phụ huynh chưa tham gia vào quá trình đánh giá cùng giáo viên. Từ thực tế đó, hơn 90% người tham gia khảo sát nhận định nội dung thông tư chưa phù hợp với tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay, 93,8% ý kiến mong muốn cải biên thông tư bằng một thông tư khác phù hợp hơn. Trong khi đó, chỉ có 1,4% người tham gia khảo sát cho biết hài lòng với nội dung thông tư.

Tác giả bảng khảo sát, đồng thời cũng là một giáo viên đang công tác tại TPHCM cho biết, có 3 nguyên nhân khiến Thông tư 30 vấp phải sự phản đối từ dư luận. Thứ nhất, do việc triển khai quá gấp gáp, vừa làm vừa thăm dò, trong khi bản thân cơ quan chỉ đạo là Bộ GD-ĐT cũng chưa lường trước được các tình huống thực tế có thể xảy ra, nên có tình trạng vừa làm vừa nghe ngóng dư luận, đưa ra các chỉ đạo mang tính “chữa cháy” mà không có sự nhất quán từ các cấp bộ, sở, phòng. Thứ hai, Thông tư 30 mang tinh thần đổi mới và cải cách toàn diện nền giáo dục, nhưng chương trình SGK hiện nay vẫn theo “kiểu cũ”, dẫn đến nhiều so le trong quá trình thực hiện. Thêm vào đó, yêu cầu đổi mới của thông tư khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng lên trong khi chế độ, chính sách cho họ gần như chưa thay đổi, gây ảnh hưởng khá nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Thứ ba, Thông tư 30 là sự tiếp thu từ một số nước có nền giáo dục tiên tiến với một số ưu điểm đặc thù như lương giáo viên đảm bảo mức sống trung bình khá, số lượng học sinh/lớp ít, điều kiện cơ sở vật chất vượt trội, phụ huynh có thời gian quan tâm đến việc học tập của con cái. Trong khi đó, tình hình thực tế ở Việt Nam gần như trái ngược, khiến kết quả thực hiện chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Tuy đây chỉ là một cuộc khảo sát trên quy mô nhỏ, các câu hỏi chưa mang tính đánh giá, phản ánh toàn diện kết quả thực hiện của một thông tư, nhưng qua đó đã bộc lộ khá nhiều bất ổn. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 (yêu cầu giấu tên) cho biết, trong một cuộc họp chuyên môn gần đây, các lãnh đạo sở, phòng nói sẽ có thêm điều chỉnh để Thông tư 30 phù hợp hơn với tình hình thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi điều chỉnh, các trường vẫn phải thực hiện trong tâm trạng vừa làm vừa nghe ngóng, tích cực động viên giáo viên và kêu gọi thêm ủng hộ từ phía phụ huynh. Bởi thế nên làm thì vẫn phải làm đó, nhưng “lo lắm, thông tư ơi”!

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục