Lo ngại ô nhiễm môi trường từ du lịch vũ trụ

Sau nhiều năm chờ đợi, giấc mơ du lịch vũ trụ của tỷ phú Richard Branson đã trở thành hiện thực. Chuyến đi diễn ra thành công trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, mở ra giai đoạn mới cho ngành du lịch vũ trụ. Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến lo ngại về lượng khí thải từ các con tàu không gian có thể gây ô nhiễm.
Nhóm du lịch vũ trụ của tỷ phú Richard Branson
Nhóm du lịch vũ trụ của tỷ phú Richard Branson

Ông chủ Tập đoàn Amazon Jeff Bezos sẽ nối tiếp chuyến du lịch vũ trụ của tỷ phú Branson bằng tàu Blue Origin vào ngày 20-7. Kế đến là ông trùm xe điện Tesla - Elon Musk, cũng sẽ chinh phục quỹ đạo Trái đất vào tháng 9. Cũng từ đây, ngành du lịch vũ trụ non trẻ phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường. Các kênh truyền hình CNN, Forbes và các phương tiện truyền thông xã hội chỉ trích chuyến du lịch của ông Branson vì tàu vũ trụ SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Ông Gavin Schmidt, cố vấn khí hậu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), trấn an rằng: “Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ tên lửa phóng tàu không gian không đáng kể so với các hoạt động khác của con người, hay so với hàng không thương mại”. Có thể ở hiện tại, các vụ phóng tên lửa nói chung không thường xuyên diễn ra nên ít gây ô nhiễm, nhưng một khi hoạt động diễn ra thường xuyên hơn, vấn đề sẽ khác. Điều mà các nhà khoa học lo lắng là khả năng gây hại lâu dài khi ngành công nghiệp này phát triển lớn hơn, đặc biệt là tác động đến tầng ozon phía trên của bầu khí quyển.

Theo tính toán của giới khoa học, các chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương chở hàng trăm người, phát thải lượng khí thải thua xa so với lượng khí thải từ một chuyến bay tổng cộng 6 hành khách trên con tàu SpaceShipTwo. Đây là số liệu phân tích do nhà vật lý thiên văn người Pháp Roland Lehoucq và các đồng nghiệp công bố trên tạp chí The Conversation.

SpaceShipTwo sử dụng một loại cao su tổng hợp làm nhiên liệu và đốt cháy bằng nitrous oxide (N2O) - chất cản trở mạnh sự hình thành tầng ozon, với mức độ ảnh hưởng tương đương các hợp chất CFC. Các hạt chất thải rắn lơ lửng trong không gian phản xạ ánh sáng Mặt trời cũng như đẩy nhanh các phản ứng hóa học làm suy giảm tầng ozon, vốn rất quan trọng để bảo vệ con người khỏi bức xạ có hại. Công ty Virgin Galactic cho biết, họ đã cố gắng giảm lượng khí thải của con tàu xuống mức thấp, đồng thời khẳng định trong tương lai sẽ tiếp tục giảm thêm.

So với SpaceShipTwo, tàu vũ trụ Blue Origin sử dụng nhiên liệu sạch hơn, theo đó đốt cháy hydro lỏng và oxy lỏng thành hơi nước. Nhưng tàu vũ trụ Blue Origin cần phải được đẩy lên không gian bằng tên lửa Falcon 9 với lượng khí thải CO2 tương đương 395 chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Annette Toivonen, tác giả cuốn sách Du lịch không gian bền vững, cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại biến đổi khí hậu, lại khởi sự một hoạt động du lịch làm tăng lượng khí thải là không đúng lúc. Hơn thế nữa, theo các nhà khoa học, thế giới ngày nay đã nhận thức rõ hơn về cuộc khủng hoảng khí hậu so với thời điểm các công ty tổ chức du lịch không gian này được thành lập vào đầu những năm 2000.

Tin cùng chuyên mục