Lo ngại tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật

Trong ngày làm việc thứ hai phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sáng 4-9, các đại biểu tiếp tục thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp về phòng, chống vi phạm pháp luật.

Công tác phòng chống tham nhũng “không dừng, không nghỉ, không chùn xuống”

Khẳng định công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) “không dừng, không nghỉ, không chùng xuống”, Chính phủ nhận định, tham nhũng “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” dù tham nhũng vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Báo cáo của Chính phủ do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày cho biết, từ 1-10-2018 đến 31-7-2019, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân. Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xác minh 31 vụ án, 27 vụ việc; Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra 1 vụ án.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 còn chậm so với kế hoạch đề ra; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Như trong vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề dân sự có liên quan đến vụ án. Vụ án Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng, TPHCM còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong việc xác định thiệt hại và áp dụng biện pháp tư pháp…

Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Việc thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao: trong số 37 vụ án thuộc diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6-2019, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) các cấp đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.

Ngăn chặn, nghiêm trị tham nhũng

Cơ bản đồng tình với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp lưu ý thêm, việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, của cấp trên đối với cấp dưới tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề được nhóm nghiên cứu bày tỏ quan ngại sâu sắc. Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ví dụ: “Điển hình như vụ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng Phòng PCTN Thanh tra (Bộ Xây dựng) và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra một số địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa”.

Trong khi đó, công tác tự thanh, kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nơi còn biểu hiện khép kín, xử lý nội bộ. Việc xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán một số trường hợp vẫn chưa nghiêm. Công tác tự kiểm tra nội bộ chỉ phát hiện 19 vụ với 22 đối tượng, bằng số vụ được phát hiện trong năm 2018.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán trong các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công - những lĩnh vực xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước trong thời gian qua.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đánh giá cao những nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp vừa qua đã đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng rất lớn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, ông chưa hoàn toàn đồng tình với nhận định “tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm”. “Nói tham nhũng từng bước được kiềm chế, có biểu hiện thuyên giảm ở một số ngành, lĩnh vực thì đúng; chứ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực “chả thấy thuyên giảm gì cả”, ông Nghĩa thẳng thắn nhận xét và bày tỏ quan ngại với tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách người dân, doanh nghiệp để trục lợi và cho rằng không nên gọi đây là “tham nhũng vặt”, vì dễ gây ra hiểu lầm rằng loại hành vi này ít gây hại, dễ tha thứ hơn… Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện việc giám sát quyền lực của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác thì kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, trong đó có sửa Luật Đất đai, các cơ chế về đấu thầu… Bên cạnh đó, các quy định về quản lý cán bộ, khung thời gian giải quyết công việc cần phải rất rõ và thực hiện nghiêm túc.

Đề nghị đơn giản hóa thủ tục cai nghiện bắt buộc

Đề cập đến vấn đề buôn bán, sử dụng ma túy, tội phạm được thực hiện bởi các đối tượng nghiện ma túy, “ngáo đá”, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi quy định theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục đưa đối tượng vào cai nghiện bắt buộc.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, việc cai nghiện bắt buộc có liên quan đến quyền con người. “Khi xây dựng Luật Phòng, chống ma túy, Quốc hội đã bàn rất kỹ, nay đề xuất sửa đổi phải có đầy đủ căn cứ và cân nhắc toàn diện vấn đề”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp nói.

Tin cùng chuyên mục