Lo nguồn tuyển khối ngành sư phạm

Thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2017. Trái ngược với mức điểm chuẩn cao ngất của khối ngành y dược, an ninh, quân đội, các ngành sư phạm năm nay có điểm chuẩn khá thấp. 
Giáo viên bậc mầm non luôn trong tình trạng thiếu. Trong ảnh: Giáo viên và học sinh trường mầm non Việt Đông Dương (quận Thủ Đức) trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: TRUNG THU
Giáo viên bậc mầm non luôn trong tình trạng thiếu. Trong ảnh: Giáo viên và học sinh trường mầm non Việt Đông Dương (quận Thủ Đức) trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: TRUNG THU
Cụ thể ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, điểm chuẩn cao nhất là 20,5 điểm đối với ngành Giáo dục mầm non, một số ngành khác như Ngữ văn 17 điểm, Sư phạm lịch sử 16,5 điểm, các ngành Sư phạm Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin học, Âm nhạc đều có mức điểm chuẩn là 15,5.
Tương tự, ở Trường Đại học Vinh, trong 6 ngành đào tạo sư phạm, chỉ trừ ngành Sư phạm tiểu học có điểm chuẩn 22, tất cả chuyên ngành còn lại đều lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Tuy khá hơn một chút, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TPHCM cũng chỉ có một số ngành như Toán học, Ngữ văn là điểm chuẩn khá cao, còn nhiều ngành cũng phải lấy điểm “cận sàn” của Bộ GD-ĐT như Công nghệ thông tin, Vật lý, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga... 
Trên thực tế, việc các trường sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào thấp nhưng vẫn không thu hút được thí sinh đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra rằng do ngành sư phạm đang dư thừa một lực lượng lớn giáo viên khiến cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, công việc giáo viên có áp lực cao nhưng đồng lương chưa tương xứng. Nếu như lương của sinh viên ngành kinh tế sau 5 năm ra trường có thể đạt từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, thì sinh viên sư phạm chỉ dao động 4 - 5 triệu đồng.
Thực tế này tiếp tục đặt ra câu hỏi, với chất lượng đầu vào tương đối thấp, sau 4 năm đào tạo trên giảng đường, liệu các em có đủ sức đảm bảo chất lượng đầu ra theo yêu cầu đổi mới, sáng tạo mỗi năm không ngừng tăng cao của ngành giáo dục? Nhất là khi bị gánh nặng cơm áo đè nặng, năm nào các trường phổ thông cũng có tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, chuyển ngành hoặc chuyển đổi công tác từ môi trường công lập qua ngoài công lập với thu nhập hấp dẫn hơn.
Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao nguồn tuyển giáo viên tuy không thiếu nhưng năm nào trường học cũng không tuyển đủ giáo viên. Một số quận, huyện phải tuyển bổ sung giáo viên đợt 2, đợt 3, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu nhân sự của các trường. Có nơi ở bậc mầm non, trong 3 năm liên tục không tuyển đủ giáo viên, khiến các trường phải hợp đồng thêm lao động bên ngoài hoặc tái ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên đã về hưu.
Đất nước đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện nền giáo dục, đòi hỏi số lượng lớn nguồn lực lao động có chất xám. Song, nếu như bài toán đào tạo và sử dụng đội ngũ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thì con thuyền đổi mới giáo dục khó tránh khỏi chòng chành, thậm chí mắc cạn.
Thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề nên thiết nghĩ ngay từ bây giờ, song song với các kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nguồn lực giáo viên hiện có, các nhà quản lý giáo dục phải tính đến vấn đề đào tạo đội ngũ kế thừa, trong đó có việc nâng cao chuẩn chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm.

Tin cùng chuyên mục