Lo quyền lợi người gửi tiền khi cho phá sản ngân hàng

Ngày 26-10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ảnh hưởng lớn khi ngân hàng phá sản
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các TCTD có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống. Việc quy định các TCTD được kiểm soát đặc biệt, ngoài được vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài. Về phương án phá sản, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt. Dự thảo luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ. 
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) lo ngại việc dự thảo quy định phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền, có thể khiến người dân rút tiền ồ ạt, khiếu kiện. Nếu bắt buộc phải thực hiện phá sản thì cần có quy định phương án phá sản rõ hơn dự thảo nhằm đảm bảo quyền người gửi tiền. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhấn mạnh, người gửi tiền chiếm 85% vốn của các TCTD. Việc cho phá sản TCTD bị kiểm soát đặc biệt khi không cơ cấu lại được nhưng dự thảo vẫn chung chung. Do đó, cần quy định đầy đủ, cụ thể hơn quyền lợi người gửi tiền, không phân biệt cá nhân, pháp nhân, tỷ lệ trả tương ứng với người gửi, tránh việc người gửi tiền 100 triệu đồng cũng nhận tiền bằng người gửi 75 triệu đồng. ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), băn khoăn tính khả thi của quy định về phá sản ngân hàng cần phải được làm rõ. Nhiều nước không cho phá sản để bảo vệ người gửi tiền. Dù phá sản là bước cuối cùng khi xử lý yếu kém nhưng “tôi băn khoăn là nếu ngân hàng có quy mô lớn phá sản thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội, cộng đồng”. Ở nhiều nước, nhà nước sẽ thực hiện mua cuối cùng, nhận chuyển giao để xử lý, tránh tác động bất lợi. ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ việc có trả gốc, lãi cho người dân hay không khi ngân hàng phá sản vì nếu không trả sẽ tác hại lớn đến nền kinh tế, khả năng huy động vốn, mất trật tự xã hội. Điều 146 của dự thảo giao Chính phủ áp dụng biện pháp đặc biệt. “Vậy biện pháp đó là gì, không thể mập mờ vì như vậy sẽ làm dân khó tin”, ĐB Hà Sỹ Đồng nói.
Băn khoăn nguyên tắc không sử dụng ngân sách
Theo ĐB Vũ Thị Như Mai (Hà Nội), nguyên tắc được đưa ra trong dự thảo là không sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, đối chiếu dự thảo thì nguyên tắc này chưa đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn, TCTD bị kiểm soát đặc biệt sẽ được miễn các nghĩa vụ tài chính như: không được trích lập dự phòng rủi ro, vay ưu đãi đến 0%… Như vậy quy định trên không thể nói không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Một số văn bản mang tính chỉ đạo có nói khái niệm không sử dụng trực tiếp ngân sách nhưng quy định trên có thể là gián tiếp. Do đó, không nên sử dụng khái niệm trực tiếp hay gián tiếp vì thực tế là có sử dụng. Theo dự thảo thì các TCTD được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của NHNN thì được vay đặc biệt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác. Đặc biệt, được vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng, dự thảo cũng chưa làm rõ là dù có các biện pháp hỗ trợ đó nhưng TCTD vẫn không phục hồi và phải phá sản, không trả được nợ thì ai sẽ chịu trách nhiệm khoản vay.
ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT VietinBank, chia sẻ, bản dự thảo được thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã cho phép Chính phủ và NHNN được cho TCTD vay đặc biệt nhằm chi trả cho người gửi tiền khi TCTD có dấu hiệu mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, Điểm B, Khoản 1, Điều 146 của dự thảo lại không quy định cụ thể, gây khó khăn trong thực hiện. Ví dụ, khái niệm biện pháp đặc biệt mà Chính phủ áp dụng là gì, có bao gồm cho vay đặc biệt? Nếu bao gồm cho vay mà sau khi thanh lý tài sản không đủ bù đắp khoản vay thì sao? Khi đó, phần thiếu hụt “phải xin Quốc hội” và được chấp nhận “thì không vấn đề gì” nhưng nếu Quốc hội không đồng ý thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Cũng theo phân tích từ ĐB Nguyễn Văn Thắng, nếu điều khoản này không bao hàm sử dụng nguồn lực nhà nước, ngân sách thì không có tác dụng và tạo khoảng trống khi TCTD phá sản, không chi trả tiền cho dân, gây mất an toàn. “Tôi cho rằng, các ĐB cân nhắc, chấp nhận việc bỏ tiền ngân sách dù nhỏ để hỗ trợ các TCTD khi phá sản nhằm đảm bảo an ninh, an toàn ngân hàng, xã hội”, ĐB Nguyễn Văn Thắng trình bày quan điểm. 
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng băn khoăn về nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém. Ở nhiều nước, họ thừa nhận sử dụng tiền thuế để hỗ trợ và có phương án tái cơ cấu. Khi TCTD phục hồi, sau đó họ bán lại có lời. Khi còn đương chức, Tổng thống Hoa Kỳ Obama quyết định bỏ tiền ngân sách ra hỗ trợ TCTD nói rằng từng đồng tiền bỏ ra sẽ được người dân giám sát. Thực tế thì việc giải cứu TCTD yếu kém không dùng trực tiếp tiền ngân sách nhưng gián tiếp là cho vay lãi suất 0%. Điều này là có ảnh hưởng đến ngân sách và cần xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cử tri. “Sau thời gian xử lý đặc biệt đạt hiệu quả gì thì phải trả lời, không nên né tránh. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế cơ chế minh bạch”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Giải trình thêm và đề cập đến vấn đề phá sản ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, TCTD là tổ chức trung gian tài chính huy động và cho vay nên khi hoạt động yếu kém có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt và ảnh hưởng có tính dây chuyền. Vì vậy, chính phủ đã nghiên cứu kỹ vấn đề này, trong đó thẩm quyền quyết định phá sản là Chính phủ, chủ trương phá sản chỉ là biện pháp cuối cùng khi TCTD không có khả năng hoặc thực hiện không thành công việc phục hồi, sáp nhập… Chính phủ cũng có đánh giá kỹ việc phá sản sẽ mang lại rủi ro tiềm ẩn gì, quyền lợi của người gửi tiền ra sao… Do đó, dự thảo cũng đã quy định Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt và báo cáo Quốc hội. Việc hỗ trợ cho người gửi tiền cũng được tính toán kỹ để đảm bảo quyền lợi của người gửi .

Tin cùng chuyên mục