Loạn hàng hóa “Made in Việt Nam” nhưng xuất xứ nước ngoài

Nhiều người tiêu dùng thực sự bị sốc khi biết rằng hàng loạt sản phẩm điện tử của Tập đoàn Asanzo được sản xuất ở Trung Quốc nhưng bao lâu nay lại gắn mác Việt Nam, thậm chí còn được vinh danh là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Sau khi sự thật về Asanzo được phanh phui, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với hãng này.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn quận 5, TPHCM chiều tối 23-6. Ảnh: THI HỒNG
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn quận 5, TPHCM chiều tối 23-6. Ảnh: THI HỒNG

Người dân bức xúc

Trong thông cáo phát đi vào chiều 21-6 vừa qua liên quan tới vụ Tập đoàn Asanzo bán hàng loạt đồ điện tử gia dụng gắn mác Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc và được công nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này. Hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, tại nhiều siêu thị điện máy, siêu thị đồ điện tử, các cửa hàng, đại lý bán lẻ… trên cả nước trưng bày rất nhiều sản phẩm của Asanzo. Tuy nhiên, sau khi lộ ra sự thật về nguồn gốc xuất xứ của hãng này, từ ngày 22-6 đến nay, nhiều nơi không còn trưng bày, kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo nữa. Nhiều trung tâm điện máy, trong đó có cả những trung tâm điện máy lớn như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… thông báo “hết hàng”, “không còn bán” đối với các sản phẩm của hãng này.

Tuy nhiên, sự thật là hiện nay không riêng gì các sản phẩm của Asanzo đang đánh lừa người tiêu dùng Việt mà nhiều người tiêu dùng cũng đang rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt loại hàng hóa mang danh “made in Việt Nam” nhưng thực tế lại sản xuất ở Trung Quốc với giá rẻ, chất lượng kém, rồi tuồn thẳng vào thị trường nội địa, trốn thuế và móc túi người tiêu dùng. 

Từ nhiều năm nay, rất nhiều thương hiệu hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi thế khi người tiêu dùng quay lại ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao và tẩy chay hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém nhập khẩu, nhập lậu từ Trung Quốc. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không còn là lời kêu gọi mà thực sự nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện nay lại đang nảy sinh tình trạng nhiều sản phẩm có uy tín, mang thương hiệu của Việt Nam được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tuồn vào thị trường nội địa thông qua con đường nhập lậu, thậm chí nhập khẩu ngạch luôn.

Trong vai khách hàng đi tìm đối tác cung cấp quần áo, mũ vớ thời trang số lượng lớn để làm đại lý cung cấp lại nguồn hàng giá rẻ cho các cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM, chúng tôi tìm sang chợ Lũng Vài của Trung Quốc. Nằm cách thị trấn Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) chỉ một đường biên, đây có thể xem là “tổng kho” chuyên cung cấp các loại hàng hóa, đồ tiêu dùng giá rẻ, chất lượng kém cho các doanh nghiệp, đại lý của Việt Nam. “Tổng kho” Lũng Vài gồm hàng trăm cửa hàng, ki ốt, đại lý nằm san sát nhau, từ thấp tới cao trong một thung lũng sát biên giới. Trong ki ốt, kho chứa nào cũng chất lặc lè hàng hóa, giá rẻ đến ngỡ ngàng. Thông qua phiên dịch của những cô gái ở Lạng Sơn được thuê sang đây bán hàng, chủ một kho hàng nói với tôi: “Muốn mua bao nhiêu kiện quần áo, lô hàng cũng có. Nếu muốn in tem mác Thái Lan, Hàn Quốc hoặc Việt Nam, hãng nào cũng được, chỉ cần đặt cọc 50% số tiền”. Tại một kho hàng nằm cách 3 - 4 dãy ki ốt, một chủ kho nói: “Về vận chuyển thì khỏi lo. Toàn bộ quần áo sẽ được đóng gói rồi có đội chuyên vận chuyển về Việt Nam”. Chi phí vận chuyển được tính theo ký, sang tới Lạng Sơn giao hàng hoặc đưa về tận Hà Nội theo yêu cầu”. 

Điều khiến chúng tôi để tâm là hiện nay, người ta có thể in sẵn tem mác “made in Việt Nam” tại Trung Quốc, rồi gắn lên các loại hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó mới đưa về Việt Nam để bán. Chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội tiết lộ, bây giờ rất nhiều sản phẩm, doanh nghiệp đều sang Trung Quốc thuê họ làm gia công, in ấn tem nhãn để cung cấp cho khách hàng. Lý do vì chi phí làm gia công tại Trung Quốc chỉ bằng 1/2 so với sản xuất tại Việt Nam. Bên này lại sẵn công nghệ, máy móc, chất lượng tem nhãn “hàng nhái” làm không khác “hàng xịn”, chưa kể có những doanh nghiệp còn thuê các xưởng tại Trung Quốc làm gia công chính những sản phẩm của mình để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đề nghị doanh nghiệp cùng phối hợp

Không chỉ những loại hàng hóa có thể mang vác theo đường mòn lối mở, nhập lậu mà ngay cả các loại hàng hóa, sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng… hiện nay cũng đang xuất hiện tình trạng hàng “made in Việt Nam” nhưng xuất xứ đích thực từ Trung Quốc.  

Trước thực trạng này, trả lời báo giới, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ, hiện nay, tình trạng giả nhãn mác có 2 nguồn: doanh nghiệp đặt hàng gia công, làm giả ngay từ nước ngoài sau đó tìm cách thẩm lậu vào thị trường nội địa theo đường mòn lối mở; sản xuất hàng giả ngay trong nước. 

Với hàng giả sản xuất, kinh doanh ở thị trường nội địa, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng “cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả trên thị trường”. Ông Linh dẫn chứng, gần đây lực lượng quản lý thị trường đã bắt hơn 3.000 chiếc đồng hồ toàn giả thương hiệu của các hãng đồng hồ nổi tiếng, và sở dĩ phát hiện được là do các hãng nước ngoài phát hiện, rồi báo cho lực lượng quản lý thị trường. Các vụ khác cũng là nhờ có sự phối hợp của doanh nghiệp. 

Còn về tình trạng làm giả nhãn mác ngay ở nước ngoài, ông Trần Hữu Linh nói rằng, Tổng cục Quản lý thị trường vẫn thường phối hợp với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan là đơn vị chủ chốt trong chống buôn lậu, hàng giả ở cửa khẩu. “Khi hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa thì lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, quản lý thị trường cũng chỉ là một trong các đơn vị xử lý vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa” - ông Linh giãi bày. 

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Thực tế thì thời gian qua, nhiều sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây từ hàng Trung Quốc khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định điều tra phòng vệ thương mại với thép Việt Nam do nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn Mỹ từng có quyết định áp thuế chống bán phá giá với mức cao ngất ngưởng.

----------------------------

Thị trường “hậu Asanzo”: Người bán lẫn người mua đều thận trọng

Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam (gọi tắt Asanzo) bị phản ánh lừa đảo người tiêu dùng, nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp nhưng ghi “Xuất xứ Việt Nam” khiến dư luận sửng sốt. Đáng chú ý, trên các phương tiện truyền thông, Asanzo luôn khẳng định sản phẩm là đỉnh cao công nghệ Nhật Bản. Thông tin này chẳng khác nào “cú tát” vào niềm tin của khách hàng trong nước. 

Người tiêu dùng cảnh giác

Ghi nhanh trong chiều 23-6, hàng loạt các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, trang web… thông tin đã tạm ngưng phân phối sản phẩm Asanzo để chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Tại TPHCM, các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị của Vingroup cũng không thấy chào bán các sản phẩm này qua hệ thống phân phối trực tuyến, hoặc trực tiếp. Phía siêu thị BigC cũng thông tin, đơn vị chủ yếu cung cấp thực phẩm tiêu dùng, quần áo thời trang các loại. Riêng mặt hàng điện tử, điện lạnh chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Tuy vậy, BigC thừa nhận phải kiểm tra lại mới phản hồi thông tin chi tiết được. 

Riêng trang web bán hàng Lazada vẫn rao bán bình thường các dòng Smart TV Asanzo 40 inch, giá 5,1 triệu đồng/chiếc với các tính năng nổi bật như ra lệnh bằng giọng nói, màn hình cong, kết nối với thiết bị điện tử khác…  Một số dòng Smart TV Asanzo khác có giá dao động 3 - 15,5 triệu đồng/chiếc, tùy loại. Tương tự, tại trang web của Siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn có giới thiệu về sản phẩm Asanzo, nhưng ghi nhận thực tế tại một số siêu thị này tại quận 3 và 5 (TPHCM) thì được nhân viên bán hàng cho biết, các thông tin trên báo chí làm cho lượng hàng bị ùn ứ, không bán được. Do vậy, hàng để trên website chỉ mang tính… minh họa mà thôi.

Chiều tối cùng ngày, số lượng người dân tìm đến các siêu thị điện máy ở TPHCM (Siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn, điện máy Thiên Hòa, Nguyễn Kim…) khá đông, do rơi vào cuối tuần. Dạo một vòng tại một siêu thị điện máy trên địa bàn quận 5, chị Mai Thị Đỗ Quyên, ngụ tại Tản Đà, quận 5 cho biết: “Các sản phẩm khá đẹp, bóng loáng, giá mềm nhưng mình vẫn thích những thương hiệu đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, vì chất lượng sản phẩm cũng như chế độ bảo hành. Chẳng hạn, một bộ gồm 3 nồi nấu ăn, xuất xứ Thái Lan có giá hàng chục triệu đồng, trong khi sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc chỉ hơn 1 triệu đồng. Chưa kể loại nồi giá rẻ, đáy mỏng, dễ bị gỉ sét, nên tôi cũng cân nhắc dữ lắm”.  Ông Phương Văn Bảo, khách mua hàng tại một siêu thị điện máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) chia sẻ, gia đình ông thường chọn mua các sản phẩm phù hợp túi tiền nhưng không quá rẻ, xuất xứ Việt Nam hoặc hàng liên doanh để vừa dùng được hàng vừa đảm bảo tiêu chí an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cả nhà.

Phải sòng phẳng với khách hàng

Điểm qua một số siêu thị điện tử điện máy trên địa bàn TPHCM dễ thấy, những gian hàng của các thương hiệu như TCL (Trung Quốc), Sunhouse (Trung Quốc), BlueStone (Trung Quốc - Mỹ)… đều nằm ở vị trí tốt, dễ nhìn. Khách dễ dàng tìm được sản phẩm phù hợp. Chưa kể mức giá khuyến mãi cao điểm mùa hè cũng khá đậm, tùy từng sản phẩm mà giá bán được giảm 30% - 50%. Ví dụ như, nồi cơm BlueStone được niêm yết 1,13 triệu đồng nhưng giảm còn 700.000 đồng/sản phẩm. Các loại TV thương hiệu TCL cũng giảm giá 1 - 1,5 triệu đồng tùy mẫu, hoặc bán trả góp với lãi suất 0% trong thời gian 6 tháng… Trên tem nhãn đều ghi rõ ràng “Xuất xứ Trung Quốc” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam”. 

Cách nay vài tuần, Cục QLTT TPHCM bất ngờ phối hợp với các cơ quan chuyên trách trên địa bàn TP kiểm tra một kho hàng lớn tại quận 6 và ghi nhận hàng loạt sai phạm. Phần lớn hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất, nhưng có lô hàng ghi rõ xuất xứ, ngược lại có lô không thể hiện, thậm chí mạo danh xuất xứ Việt Nam. Chẳng hạn, có tới gần 10.000 sản phẩm cặp lồng, ấm pha trà, tô inox các loại không có hóa đơn chứng từ, hơn 2.000 vỏ micro trôi nổi, hơn 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ nhưng lại ghi trên sản phẩm dòng chữ “Hang Viet Nam”, cùng hơn 1,4 triệu sản phẩm đồ sứ không nhãn hiệu khác… Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, chủ các lô hàng đều lúng túng khai báo, không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của sản phẩm. 

Thực tế cho thấy, nhiều thương hiệu điện tử, điện máy lớn trên thế giới bị doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm. Điển hình như TCL mua lại Alcatel, Lenovo mua lại Motorola Mobility, Foxconn mua lại Sharp… Chuyện này hoàn toàn bình thường. Chưa kể, các thương hiệu sau khi mua bán thành công, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã đem đến cho người tiêu dùng trong nước những ưu ái nhất định, bởi sự đa dạng sản phẩm, tập trung cho các phân khúc khách hàng khác nhau. Điều mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay chính là sự sòng phẳng, minh bạch thông tin đối với họ. Vì một khi sự việc bị khui ra, niềm tin người tiêu dùng đổ vỡ thì sự mất mát của doanh nghiệp sẽ khó lường, mà vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam chính là ví dụ điển hình. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các cơ quan chuyên trách (QLTT, hải quan, công an kinh tế…) có vô can khi người tiêu dùng liên tục phải sử dụng hàng hóa mập mờ nguồn gốc, xuất xứ trong suốt thời gian vừa qua?

Tin cùng chuyên mục