Loay hoay mở lối trường học thông minh - Bài 2:Tăng ứng dụng công nghệ trong dạy và học

Nằm trong Đề án tổng thể “Xây dựng mô hình đô thị thông minh” của UBND TPHCM, ngành GD-ĐT đặt ra mục tiêu xây dựng trường học thông minh với 2 nội dung cơ bản: Xây dựng trung tâm điều hành trường học thông minh (thí điểm thực hiện tại Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT quận 1 và quận 12); Mô hình trường học điện tử tại 5 trường THPT.
Một giờ học với kính thực tế ảo tại phòng học STEM của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) Ảnh: THU TÂM
Một giờ học với kính thực tế ảo tại phòng học STEM của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) Ảnh: THU TÂM

Tính toán lộ trình thực hiện

Trong vòng 3 năm trở lại đây, giáo dục TPHCM đã có nhiều bước phát triển đáng kể về đẩy mạnh công nghệ thông tin trong trường học. Chia sẻ với báo giới trong một cuộc họp đầu năm, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho biết sở đang vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử đối với tất cả đơn vị, cơ sở giáo dục nhằm công khai các hoạt động, tăng cường kết nối giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh và xã hội. Song song đó, ngành giáo dục cũng đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố. Một số đề án như thẻ học đường thông minh, thư viện thông minh, mô hình trường học thông minh bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các trường học.

Trong năm 2019, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm dạy - học trực tuyến để phục vụ nhu cầu học tập của người dân.

Một trong những bước đi đầu tiên của lộ trình là đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD-ĐT TPHCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, được Sở GD-ĐT công bố hồi đầu năm. Trong đó nổi lên 2 nội dung chính: Thay đổi hình thức tuyển sinh đầu cấp từ quản lý hồ sơ bằng văn bản qua đăng ký trực tuyến trên mạng; Xây dựng mô hình trường học điện tử tại 5 đơn vị thí điểm (gồm THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du), làm cơ sở nhân rộng mô hình trong các giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, hiện nay các đơn vị được chọn thí điểm vẫn đang “án binh bất động” chờ văn bản hướng dẫn triển khai của Sở GD-ĐT. Lãnh đạo một trường THPT theo mô hình tiên tiến phân tích, tất cả nội dung của đề án lâu nay đã được đơn vị triển khai, thậm chí đi trước.

“Đề án chỉ là một hình thức hệ thống lại, có phần mở rộng hơn các ứng dụng đổi mới theo hướng tập trung hơn. Tuy nhiên, so với việc trường tự thực hiện từ nguồn thu xã hội hóa trước đây thì chủ trương thí điểm lần này đòi hỏi phải có lộ trình với các mục tiêu thực hiện rõ ràng, thể hiện được tính nhất quán nhưng không làm mất đi tính sáng tạo, năng động của các đơn vị”, hiệu trưởng này bày tỏ.    

Riêng về đề xuất số hóa công tác tuyển sinh, đại diện các phòng GD-ĐT cho biết đều tán thành bởi hàng loạt ưu điểm của hình thức tổ chức tuyển sinh trực tuyến như giảm vấn nạn chạy trường, tiết kiệm thời gian, công sức của phụ huynh, đảm bảo tuyển sinh khách quan, công bằng... Tuy nhiên, để hệ thống vận hành tốt, đòi hỏi phải có phần mềm tuyển sinh với dung lượng cực lớn, tránh tình trạng quá tải gây mất thời gian của phụ huynh. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở hiện nay ở các quận/huyện không đồng đều; nhân lực các phòng GD-ĐT vừa thiếu về số lượng vừa yếu năng lực công nghệ thông tin. Do đó, trước khi triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến, nhiều ý kiến đề xuất ngành giáo dục cần thực hiện thành công đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thành phố”, tránh tình trạng triển khai theo quy trình ngược là “vận hành thiết bị trước, tập huấn con người sau” (như đã làm trước đây) gây hoang mang đội ngũ, hiệu quả triển khai không như mong đợi.

Kết hợp nhiều giải pháp

Có thể thấy trong lộ trình thí điểm mô hình trường học điện tử, Sở GD-ĐT ưu tiên chọn các trường đang thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập do có sẵn điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và sĩ số học sinh/lớp. Tuy nhiên, thực tế này khiến không ít người lo ngại việc thí điểm sẽ lặp lại “vết xe đổ” của mô hình trường tiên tiến đã triển khai trước đó. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là điểm khác nhau giữa mô hình trường học tiên tiến và trường học thông minh? Vì sao chưa sơ kết hiệu quả thực hiện mô hình thí điểm này, cơ quan quản lý đã vội vàng triển khai một mô hình khác với nhiều trùng lắp về nội dung và mục tiêu thực hiện?

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mô hình thí điểm trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời xây dựng môi trường học tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Tham gia trường học thông minh, giáo viên sẽ sử dụng bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Việc tổ chức thi, kiểm tra được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân. Học sinh được học trong môi trường trực tuyến, sử dụng sách giáo khoa điện tử, được tạo điều kiện hình thành, rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm... 

Trước đây, tại nhiều cuộc họp tổng kết năm học, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận, chỉ tiêu mỗi quận/huyện ở mỗi bậc học có một trường học xây dựng theo mô hình tiên tiến, hội nhập rất khó thực hiện vì áp lực gia tăng dân số. Một mặt các trường phấn đấu giảm sĩ số học sinh/lớp để thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho người dân.

Đặc biệt, ở một số quận/huyện vùng ven, tập trung đông dân nhập cư như Gò Vấp, Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, nhiều năm liền không thể phát triển trường tiên tiến do trường lớp luôn trong tình trạng quá tải, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày năm học sau luôn thấp hơn năm trước khiến mục tiêu “đổi lượng lấy chất” gần như không thể thực hiện. Qua đó cho thấy, một khi ngành giáo dục chưa giải quyết được bài toán cũ là hạn chế về cơ sở vật chất và quá tải sĩ số trường lớp thì mọi kỳ vọng đổi mới đều thiếu cơ sở thực hiện. 

Mặt khác, với thu nhập đặc thù của ngành sư phạm, ngay cả các trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập cũng khó thu hút người giỏi công nghệ thông tin về phục vụ do chế độ đãi ngộ thấp, điều kiện làm việc thiếu cạnh tranh. Từ thực tế đó, nhà giáo Nguyễn Hoa Mai cho rằng, song song với việc phát triển trường học thông minh theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ngành giáo dục cần nghiên cứu, kết hợp thêm nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở trường phổ thông, như thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận giáo dục từ nặng về kiến thức hàn lâm sang phát huy năng lực vận dụng thực tế cho người học, triển khai đồng bộ các chương trình về giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm và ngoại khóa, phối hợp với các trường đại học đổi mới chương trình đào tạo sinh viên sư phạm…

Tin cùng chuyên mục