Loay hoay quản lý “thịt sạch - thịt bẩn”

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, năm 2015 phải thực hiện bằng được mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; và các địa phương phải học tập TPHCM về cách làm, giải pháp quản lý, thay thế phương pháp giết mổ gia súc thủ công bằng hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Loay hoay quản lý “thịt sạch - thịt bẩn”

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, năm 2015 phải thực hiện bằng được mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; và các địa phương phải học tập TPHCM về cách làm, giải pháp quản lý, thay thế phương pháp giết mổ gia súc thủ công bằng hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Giết mổ gia súc quy mô công nghiệp đang “chết mòn”

Để thực hiện chương trình chọn năm 2015 làm năm triển khai kế hoạch hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ NN-PTNT đề nghị, mới đây UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá việc kiểm soát và quản lý công tác giết mổ, chế biến thịt gia súc gia cầm trên địa bàn. Tuy nhiên, một thực tế đã được nêu ra là mặc dù 8 năm nay, Hà Nội đã có chủ trương di dời các lò mổ thủ công ở nội đô ra ngoại thành, đồng thời hướng tới thay thế các lò thủ công bằng các trung tâm giết mổ hiện đại - công nghiệp với nguồn đầu tư khá lớn, nhưng đến thời điểm hiện tại, “thịt sạch” mới chỉ đáp ứng được 44% nhu cầu của người tiêu dùng, và tệ hơn là các trung tâm giết mổ thực phẩm công nghiệp đang có dấu hiệu “chết dần chết mòn”.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện ở Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng 3 cơ sở đã ngừng hoạt động, chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động là Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh đặt tại huyện Thường Tín, Công ty cổ phần Việt Nam (ở huyện Chương Mỹ) và Công ty cổ phần Đông Thành (ở huyện Đông Anh). Số lượng chỉ còn một nửa, còn công suất thì chỉ đạt khoảng 10% (tương đương 60.000 tấn) so với công suất thiết kế.

Một trung tâm giết mổ gia súc gia cầm sạch tại Hà Nội đang hoạt động cầm chừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, trong 6 cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ có 1 cơ sở của nhà nước, còn lại là do tư nhân bỏ tiền đầu tư nhưng bây giờ phải chấp nhận đắp chiếu tiền tỷ vì không hoạt động được. Mặc dù chính quyền đã rất ưu đãi cho các doanh nghiệp như miễn tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn… nhưng vẫn không cạnh tranh lại các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ. Theo thống kê, có 56% lượng thực phẩm của Hà Nội được cung cấp từ gần 2.500 hộ giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ và chắc chắn là không được kiểm soát, bỏ ngỏ về chất lượng.

Đó thực sự là nghịch lý bắt nguồn từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chưa tốt. Trong khi theo như lời ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội), cán bộ lại chưa quyết tâm vào cuộc. “Khi tổ chức hội họp thì đều cam kết sẽ triển khai quyết liệt, nhưng khi tổng kết thì lại báo cáo chưa làm được. Chế tài xử phạt vẫn còn quá nhẹ”, ông Nguyễn Văn Đức nói.

Nên học tập TPHCM

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT mong muốn trong năm 2015 phải cơ bản làm thay đổi bức tranh về an toàn vệ sinh thực phẩm và kế hoạch hành động đã được xây dựng dựa trên sự nhất trí chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị ngày 11-12-2014 về tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động năm 2015 về vệ sinh an toàn thực phẩm. Yêu cầu đặt ra, sẽ phải nắm chắc và phân loại 100% cơ sở vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản chủ lực (gồm chè, rau, gạo, thịt, thủy sản nuôi). Tất cả các cơ sở sẽ được phân ra ba hạng gồm A - B - C. Trong đó 100% cơ sở xếp loại C sẽ bị tái kiểm tra, xử lý dứt điểm sau 2 lần kiểm tra và đặc biệt sẽ chủ động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên đến nay đã quá nửa năm, tiến độ triển khai vẫn còn khá chậm. “Thịt bẩn”, đặc biệt là nạn lạm dụng các chất tăng trọng đưa vào gia súc, gia cầm chưa chấm dứt. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng vẫn còn nóng bỏng tình trạng đưa các nhóm chất beta-agonist vào thịt heo chứ chưa lắng xuống.

Còn theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sau 2 năm tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nhức nhối hiện nay là tình trạng doanh nghiệp đưa các chất tăng trọng, chất cấm vào trong thức ăn chăn nuôi để bán cho người tiêu dùng (chứ không phải do người tiêu dùng trộn vào) và các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt trong thời gian tới để ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng này. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương phải học tập mô hình của TPHCM về sản xuất và cung ứng thịt sạch, quản lý và ngăn chặn các công tác giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc liên kết giữa các vùng (địa phương vệ tinh) để cung ứng nguồn thịt sạch.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, TPHCM đã có những thành công nhờ chủ trương rất quyết liệt về việc ngăn chặn các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ lạc hậu. Bên cạnh tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ - cung ứng thực phẩm quy mô theo dây chuyền công nghiệp hoạt động, TPHCM sẵn sàng khen thưởng và khuyến khích người dân phát hiện và tố giác với cơ quan chức năng về các lò mổ thủ công lén lút hoạt động. Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã xử phạt 67 cơ sở giết mổ trái phép heo và gia cầm. Hiện trên địa bàn có 23 cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp với công suất 8.000 - 9.000 tấn/ngày. Ngoài ra, TPHCM đã và đang chủ động kết nối với các địa phương vệ tinh để phối hợp quản lý và cung ứng nguồn thịt sạch cho thành phố. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện Bộ NN-PTNT đang thí điểm xây dựng vùng an toàn thực phẩm tại 5 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh thí điểm chăn nuôi an toàn, không có dịch heo tai xanh tại Nam bộ. Nếu đề án có hiệu quả sẽ giúp tăng cường quản lý thực phẩm cho TPHCM.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục