Chuyện giáo dục ở Cần Giờ

Loay hoay tìm giải pháp…

Không thu học phí, cấp học bổng hàng năm, vẫn không “giữ chân” được học sinh. Năm học 2003-2004, chỉ tính riêng bậc THCS đã có gần 200 HS bỏ học. Đội ngũ giáo viên biến động đã làm ngành giáo dục nhiều phen điêu đứng. Đó là mấy nét phác thảo của ngành giáo dục Cần Giờ hiện nay. Làm gì để vực dậy giáo dục Cần Giờ? Ông Nguyễn Bình Trứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo SGGP.
Loay hoay tìm giải pháp…

Không thu học phí, cấp học bổng hàng năm, vẫn không “giữ chân” được học sinh. Năm học 2003-2004, chỉ tính riêng bậc THCS đã có gần 200 HS bỏ học. Đội ngũ giáo viên biến động đã làm ngành giáo dục nhiều phen điêu đứng. Đó là mấy nét phác thảo của ngành giáo dục Cần Giờ hiện nay. Làm gì để vực dậy giáo dục Cần Giờ? Ông Nguyễn Bình Trứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo SGGP.

- Thưa ông, hiệu suất đào tạo ở Cần Giờ từ tiểu học lên THPT năm 1992 đến 2004 chỉ đạt 19,98%, có nghĩa là cứ 100 HS vào lớp 1 thì chỉ chưa đến 20 em còn học ở lớp 12. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp THCS năm học 2003-2004 của Cần Giờ cũng thấp hơn tỉ lệ chung của toàn thành đến 10%. Dường như…

- Ông Nguyễn Bình Trứ: Đúng là chất lượng giáo dục của Cần Giờ còn yếu kém so với mặt bằng giáo dục chung của TPHCM. Nhưng so với trước, giáo dục Cần Giờ đã tiến bộ hơn trước. Năm 1984, huyện mới có trường cấp 3 đầu tiên với vài trăm HS, đến nay, số lượng HS bậc THPT đã hơn 2.000. Nói thế không có nghĩa chúng tôi bằng lòng với những gì đã đạt được…

- Chưa bằng lòng với thực tế, vậy đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Loay hoay tìm giải pháp… ảnh 1
HS Trường TH An Thới Đông, Cần Giờ trong giờ sinh hoạt tập thể. Ảnh: D.D.

- Đó là do tình trạng lưu ban, bỏ học nhiều và số lượng HS diện trung bình, yếu kém còn rất lớn.Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Vẫn còn bộ phận người dân ỷ lại, trông chờ và khoán trắng việc học của con em cho nhà trường. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong công tác vận động, duy trì sĩ số HS và nâng cao chất lượng giáo dục.

Toàn huyện chỉ có xã Bình Khánh, thị trấn Cần Thạnh và một bộ phận cán bộ, công nhân viên huyện là quan tâm nhiều đến việc học của con em.

- Nhưng ở TPHCM có những địa phương khác cũng khó khăn song chất lượng giáo dục những năm qua có chuyển biến rõ rệt…

- Cái nghèo chính là rào cản lớn đối với một bộ phận HS. Năm học qua, bậc THCS có 197 HS nghỉ, bỏ học. Chúng tôi cũng ray rứt lắm nhưng làm cách nào đây? 25% HS Cần Giờ được nhận học bổng hằng năm (từ 500.000 đến 1 triệu đồng). Nhiều năm nay, Cần Giờ không thu học phí ở các bậc học. Các khoản thu khác đều thấp hơn quy định, thậm chí thất thu.

Điều này chứng tỏ rằng GV không đặt nặng chuyện tiền bạc làm áp lực cho HS, thế nhưng người dân thấy đi làm kiếm tiền thì lợi hơn, trước mắt giải quyết được cái ăn, cái mặc.

- Chắc chắn không thầy cô nào muốn HS phải bỏ học. Nhưng ông có nghĩ rằng chất lượng đội ngũ GV cũng là một nguyên nhân?

- Giáo viên ở các bậc học về cơ bản đã đạt chuẩn, ngoại trừ bậc mầm non còn 11,8% phải chuẩn hóa thêm.

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là sự biến động đội ngũ vào đầu năm học. GV đến rồi lại đi. Năm học này, Phòng GD -ĐT phải giải quyết cho 6 thầy cô về nội thành, trong khi đó, sở chỉ điều được 1 giáo viên về. Phải nói rằng những năm qua đội ngũ thầy cô có hộ khẩu tỉnh (chiếm 25% - 35% ở bậc THCS, 50% bậc THPT) đã đóng góp không nhỏ cho giáo dục Cần Giờ.

- Như vậy Cần Giờ phải làm gì để rút ngắn khoảng cách chất lượng với mặt bằng giáo dục của TP?

-Phải thay đổi nhận thức của một bộ phận cha mẹ HS. Những HS tốt nghiệp THCS không đủ điều kiện học lên THPT sẽ được ưu tiên học nghề miễn phí. Phòng GD-ĐT có trách nhiệm nâng dần chất lượng HS các bậc học, tổ chức phân tích chất lượng học tập của HS, chất lượng dạy của giáo viên ngay sau các kỳ kiểm tra. Riêng bậc THPT, đề nghị Sở GD-ĐT tiếp nhận và quản lý 2 trường THPT của huyện.

Về lâu dài, Cần Giờ cần phải có những giải pháp hữu hiệu làm động lực cho giáo dục phát triển.

- Cụ thể đó là những giải pháp nào, thưa ông?

-Đào tạo các em HS giỏi theo ngành sư phạm để bổ sung vào đội ngũ giáo viên.

Về cơ sở vật chất, huyện đang triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây mới 11 trường học, chưa kể nâng cấp, mở rộng 11 trường khác.
 

HỒNG LIÊN 
 

Những kiến nghị của Cần Giờ

- HS thuộc 40% hộ có thu nhập thấp dưới 6 triệu đồng/năm được miễn hoàn toàn học phí buổi thứ 2 hoặc tiền học thêm (khoản này xin ngân sách nhà nước cấp bù).

- Sau năm 2010, Cần Giờ mới thu học phí HS nhằm hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học. Do vậy, từ nay đến 2010, TP cho Cần Giờ tồn tại duy nhất mô hình trường công lập.

- Đề nghị trợ cấp 200.000 đồng/tháng cho thầy cô đang công tác tại xã Thạnh An và An Thới Đông do điều kiện đi lại khó khăn, ít thu hút giáo viên.

Tin cùng chuyên mục