Lợi ích từ tái chế nhựa

Nếu dân số TPHCM giữ tốc độ tăng bình quân 3,5% (tự nhiên và cơ học) và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TPHCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người) thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm.

Nếu dân số TPHCM giữ tốc độ tăng bình quân 3,5% (tự nhiên và cơ học) và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TPHCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người) thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm.

Lượng chất thải nhựa này sẽ là một gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố. Theo kết quả khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt của thành phố chiếm tỷ lệ rất cao (chỉ sau rác thực phẩm). Trong đó, chất thải rắn ở siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 20,16%; khu vực văn phòng chiếm 14,3%; hộ gia đình chiếm 8,9%. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TPHCM. Trong đó, khoảng 50.000 tấn chất thải nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác. Không chỉ dân số mà cả tốc độ tiêu thụ nhựa của thành phố đang tăng nhanh với tốc độ phát triển kinh tế. Điều này đồng nghĩa với sản lượng nhựa tiêu thụ và chất thải nhựa phát sinh sẽ không ngừng tăng nhanh trong tương lai.

Tại các bãi chôn lấp rác, việc tồn tại quá nhiều thành phần rác là nhựa khiến cho việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp gặp rất nhiều khó khăn. Khoa học đã chứng minh, chất thải nhựa có thể tồn tại trong môi trường từ 500 năm trở lên. Điều này cũng có nghĩa là lượng rác này tồn tại trong bãi chôn lấp cũng không thể phân hủy được trong vòng 500 năm tới. Tuy nhiên, đáng ngại hơn không chỉ là chuyện rác bằng nhựa không thể phân hủy mà là hiện thành phố rất thiếu diện tích đất dành cho chôn lấp. Trong khi đó, các bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải và sẽ phải đóng cửa không tiếp nhận trong vòng 20 năm tới. Vậy nếu ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng không có sự chuẩn bị nào cho việc giảm thiểu lượng rác là nhựa nói riêng và rác thải nói chung đem chôn lấp thì khó tránh khỏi thực tế là rác sẽ tràn ngập ra ngoài môi trường do thiếu điểm tiếp nhận.

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, nếu chúng ta đầu tư công nghệ hiện đại để tái chế thì số lượng nhựa này không những giúp giảm lượng rác chôn lấp, giảm chi phí xử lý chất thải khoảng 15 tỷ đồng/năm mà còn có thể biến rác thành vàng. Trên thực tế, lợi ích kinh tế và môi trường từ việc tái chế rác thải là nhựa rất lớn. Việc sử dụng phế liệu nhựa làm cho giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 30% sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm hơn 15%.

Vấn đề còn lại là làm thế nào để có thể xã hội hóa được hoạt động tái chế này. Có một thực tế là từ trước đến nay, việc tái chế nhựa thường rơi vào các cơ sở sản xuất nhỏ, tái chế theo hình thức thủ công. Cách làm của họ đang phát sinh nhiều hệ lụy cho môi trường và cho sức khỏe của cộng đồng. Mặt khác, hệ thống thu gom chất thải còn nhiều bất cập cũng là yếu tố khiến cho lượng nhựa thải trong hộ gia đình chưa được thu gom và tái chế triệt để. Vậy để nâng cao lợi ích từ tái chế nhựa, nhất thiết phải cải tổ toàn diện việc phân loại rác tại nguồn, cách thức thu gom theo phân loại. Và cuối cùng là thành phố nói riêng và cả nước nói chung cần xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Có như vậy mới chủ động ứng phó với lượng chất thải không ngừng tăng nhanh theo đà phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu tiêu dùng của xã hội trong thời gian tới.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục