Lỗi không ở chiếc phong bì

Ngày 15-11, trên mạng xã hội “bàn luận” rất nhiều về lời kêu gọi của thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), trên trang facebook cá nhân với nội dung: “Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20-11”.

Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ, nguyên nhân của lời kêu gọi “có một không hai” nói trên là do nhân dịp này, tập thể giáo viên Trường THPT Anhxtanh muốn sử dụng toàn bộ số tiền học sinh, phụ huynh trao tặng cùng với số tiền các thầy cô đã gây quỹ được (bằng cách dạy thêm, bán hàng, dọn cửa hàng, hát ở bờ hồ…) để mua chăn tặng các thầy cô giáo và học sinh ở Trường Tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Chiến dịch ý nghĩa này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều phụ huynh, học sinh trong và ngoài trường.

Trước đó, một trường tiểu học ngoài công lập ở TPHCM cũng phát đi thông báo không nhận hoa, quà của phụ huynh, học sinh nhân kỷ niệm ngày nhà giáo. Thay vào đó, toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong trường chỉ nhận “quà” 20-11 là những lời chúc, câu chuyện chia sẻ từ phụ huynh, học sinh về những kỷ niệm, tình cảm khi theo học dưới mái trường.

Giải thích về quy định này, hiệu trưởng nhà trường cho biết không muốn tạo áp lực quà cáp cho phụ huynh, đồng thời để các thầy cô giáo có một ngày kỷ niệm nghề trọn vẹn, ấm áp sẻ chia và những lời cảm ơn chân tình.

Hai câu chuyện mang những màu sắc trái ngược nhưng đều có điểm chung là hướng đến ý nghĩa tôn vinh các thầy, cô giáo. Kỷ niệm ngày nhà giáo vốn là dịp cho các thế hệ học sinh tri ân, gửi lời cảm ơn chân thành đến công lao dạy dỗ của những người đưa đò thầm lặng.

Không biết từ khi nào, ý nghĩa tốt đẹp này đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hình ảnh những chiếc phong bì, những món quà được “cân đong đo đếm” bằng giá trị vật chất nhiều hơn tinh thần. Nói như chia sẻ của các thầy, cô giáo, lỗi không ở chiếc phong bì!

Đã từng có nhiều trường hợp các thầy cô quay đi cố giấu giọt nước mắt khi nhận chiếc phong bì quăn góc, không đề tên người gửi lẫn người nhận, không một câu chúc mà chỉ được học sinh giải thích ngắn gọn: “Mẹ kêu con đưa cô”. Thậm chí, nhiều món quà phụ huynh tặng vẫn còn để nguyên giá, gói bằng giấy báo vội vàng, những cánh thiệp với lời chúc in hàng loạt, không đọng lại chút tình cảm nào của người gửi tặng.

Những ngày này, cả nước đang trân trọng hướng đến kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Điều mà những người kỹ sư tâm hồn đang mong mỏi không phải là giá trị các món quà mà chính là sự tôn vinh, đề cao của xã hội đối với nghề giáo. Chính vì lẽ đó, phụ huynh hãy cùng học sinh giúp các thầy, cô có một ngày kỷ niệm trọn vẹn.

Tin cùng chuyên mục