Lỗi ở người lớn

Nghe chuyện cô giáo ở Quảng Bình phạt một học sinh bằng cách buộc 23 học sinh trong lớp mỗi người phải tát bạn ấy 10 cái, một số người đã trách 23 học sinh kia sao chấp thuận thực hiện một mệnh lệnh sai trái, mà nhiều em còn cố tát bạn thật mạnh để không bị cô phạt.

Nhưng thực ra nếu đem chuyện này để hỏi các trẻ em nước ta trong độ tuổi trung học cơ sở trở xuống là sẽ ứng xử như thế nào khi bị đặt vào tình huống tương tự, thì nhiều em sẽ rất khó trả lời. Nhiều em sẽ hành động theo mệnh lệnh.

Trong trường hợp cụ thể, nếu một số em thực hiện thì những em sau dù có thể không muốn thực hiện cũng không đủ dũng cảm phản ứng, không đủ kỹ năng để từ chối. Nhưng lỗi không phải ở các em, mà chính là ở người lớn. Lỗi ở người lớn chứ không phải lỗi chỉ của giáo dục hay của nhà trường.

Người lớn ở đây trước hết là cha mẹ, ông bà… trong gia đình. Thử hỏi, người lớn trong nhà đã tạo điều kiện cho trẻ được phản biện, được nêu ý kiến của mình một cách đầy đủ chưa, hay thường là áp đặt, một chiều?

Người lớn thường theo thói quen, hiểu biết và mong muốn của mình để buộc trẻ phải làm theo, chứ ít quan tâm đến nhu cầu, điều kiện, khả năng tiếp nhận của trẻ.

Lỗi ở người lớn ảnh 1 Trường THCS Duy Ninh ở Quảng Bình, nơi cháu N. bị cô T. bắt chịu phạt 231 cái tát.
Đành rằng trong phần lớn trường hợp, yêu cầu của người lớn là chính đáng, là thương yêu trẻ, nhưng chúng ta thường ít thuyết phục một cách có lý lẽ, ít giải thích rõ ràng để trẻ hiểu, cũng ít tìm hiểu xem điều đó có thực sự phù hợp cho trẻ không, mà chúng ta hay bắt buộc.

Có lẽ vì thế, nhiều trẻ phải học thêm rất nhiều, phải học năng khiếu rất nhiều, nhưng không ai hỏi trẻ là có thích học không, có muốn học không, học thực ra để làm gì… Và trẻ chỉ có thực hiện, không cần biết đúng hay không, vì sao phải thực hiện. Khi trẻ có ý kiến khác, người lớn ít khi chịu nghe, mà quát nạt ngay, buộc trẻ phải chấp hành.

Người lớn là thầy cô trong trường cũng thường áp đặt trẻ. Trước hết là các quy định trong trường, trong lớp, trẻ phải chấp hành, chứ không được giải thích vì sao phải chấp hành.

Chắc không mấy khi giáo viên, giám thị giải thích rằng vô trường thì không được chạy xe, vì trong sân trường đông đúc, chạy xe sẽ gây nguy hiểm cho người khác và cho bản thân; và chắc cũng không mấy khi người lớn trong trường nghiêm túc chấp hành nội quy này, cứ như là chỉ để dành cho học sinh thôi.

Sau nữa là kiến thức, bài giảng của giáo viên gần như là “khuôn vàng thước ngọc”, học sinh không được nói khác, thậm chí trả bài phải đúng từng chữ một.

Giáo viên gần như không mấy khi hỏi trẻ có thắc mắc hay có ý kiến gì không; giáo viên cũng ít khi thừa nhận mình sai, ít khi dám nói là mình phải và nên học ở học trò. Rồi trong các sinh hoạt khác, ban giám hiệu, giáo viên ít tạo điều kiện để học sinh được phát biểu hay đóng góp các ý kiến; hoặc các ý kiến của học sinh ít được quan tâm một cách đầy đủ.

Không dạy trẻ phản biện, không tạo điều kiện để trẻ phản biện là tước đi tư duy phản biện của trẻ. Mà phản biện là một trong những con đường vươn đến chân lý. Một đứa trẻ đặt các câu hỏi, kể cả “vặn vẹo” để làm rõ một vấn đề thì trẻ sẽ hiểu vấn đề đó đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và lâu bền hơn là chỉ cung cấp kiến thức một chiều cho trẻ.

Không chỉ vậy, không có tư duy phản biện thì sẽ không có ý thức, không có kiến thức, không có nhận thức để phản biện, tức là không thấy điều cần phản biện mà chỉ răm rắp nghe theo, không biết phản biện như thế nào và bằng những lý lẽ ra sao.

Mà không phản biện thì trẻ trở thành một người trưởng thành cũng không biết phản biện, sẽ khó phân biệt đúng sai, sẽ không mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình, hoặc có bày tỏ nhưng không có phương pháp phù hợp.

Như vậy, dạy trẻ tư duy phản biện là một điều rất cần thiết, không chỉ cho trẻ mà cho chính người lớn. Với trẻ, đó là những gợi mở tư duy để có thể nhìn sự vật, hiện tượng đa chiều, từ đó có thể thấu hiểu đầy đủ, đồng thời có thể phát hiện ra các biểu hiện sai lệch hoặc chỉ có lý thuyết mà không được kiểm chứng.

Với người lớn, đó là cách để kiến thức, ý kiến của người lớn được nhìn nhận đúng mực, cả các góc cạnh khác nhau, từ đó việc thực hiện cũng trở nên tự giác hoặc chủ động hơn; nếu trẻ phát hiện ra có điều chưa hợp lý thì cũng là sự bổ sung để người lớn hoàn thiện mình hơn. Nếu trẻ đã mạnh dạn phát biểu, phản biện thì người lớn cũng nên lắng nghe, giải thích, thuyết phục và nhất là chấp nhận sửa chữa, khắc phục khi có sai lầm.

Tin cùng chuyên mục