Lợi thế chưa được phát huy

Dữ liệu về lĩnh vực vận tải tại TPHCM hiện nay là rất lớn, với hơn 5.370 đơn vị vận tải và trên 118.220 phương tiện vận tải các loại (xe container, xe tải, xe khách, xe hợp đồng…). 

Theo quy định, các xe này muốn hoạt động phải được cấp phù hiệu, biển hiệu. Hàng ngày, Sở GTVT tiếp nhận cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu cho khoảng 500 ô tô.

Thực tế, Sở GTVT thường xuyên tổ chức hướng dẫn cho các đơn vị vận tải bằng nhiều hình thức nhằm khuyến khích họ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Về phía các đơn vị, việc tiếp cận, thực hiện thủ tục qua mạng hay thanh toán trực tuyến không là vướng mắc như vấn đề người dân hay phản ánh. Lợi thế lớn ở đây là hầu hết đơn vị vận tải có nhiều điều kiện tiếp cận và thực hiện thủ tục qua mạng dễ dàng.

Việc thanh toán phí/lệ phí trực tuyến đối với họ cũng bình thường (chưa kể một số thủ tục không phải đóng phí/lệ phí).  Thế nhưng, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực này đạt tỷ lệ thấp bất ngờ. Cả tháng 10-2018 chỉ có 60 hồ sơ đăng ký cấp phù hiệu, biển hiệu theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong khi tổng số hồ sơ đăng ký thực hiện trong tháng ở Sở GTVT TPHCM là hơn 3.000 hồ sơ.

Vì sao các đơn vị vận tải vẫn chuộng cách “ôm” hồ sơ đến Sở GTVT nộp trực tiếp, thay vì ở công ty “gõ chữ, bấm lệnh” để nộp hồ sơ qua mạng rồi chờ nhận kết quả? Chủ một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại TPHCM cho biết, các đơn vị vận tải phải đăng ký cấp phù hiệu qua mạng tại trang web do Bộ GTVT quản lý (địa chỉ: qlvt.mt.gov.vn).

Về cách thức thực hiện không quá rắc rối; tuy nhiên, nhược điểm lớn là thao tác nhập liệu phức tạp, tốn thời gian do phải điền thông tin số khung, số máy, màu sơn, ảnh phương tiện, trong khi các dữ liệu này cơ quan đăng kiểm đã có.

Cùng với đó, trong một số trường hợp phải nộp bộ hồ sơ dày như báo cáo phương án kinh doanh, tài chính... khiến việc scan hồ sơ, tải lên mạng tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, khi nộp hồ sơ trực tiếp, các đơn vị vận tải chỉ cần cung cấp 1 bộ hồ sơ là được giải quyết cho nhiều ô tô, thậm chí hàng chục chiếc.

Song, với hồ sơ trực tuyến thì mỗi lần chỉ thực hiện cho 1 ô tô, nên khi cần làm thủ tục cho số lượng lớn thì phải thao tác lại nhiều lần. Điều này không chỉ làm mất thời gian cho doanh nghiệp mà còn gây “ức chế” nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Chính sự bất cập trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại trang web qlvt.mt.gov.vn, được thiết kế chung cả nước, khiến tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến của Sở GTVT TPHCM bị “kẹt” ở tốp dưới, dù trong các lĩnh vực được chủ động (như cấp phép đào đường), tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến ở sở này lại cao chót vót.

Dịch vụ công trực tuyến nhằm hướng đến tiện ích cho người dân, tạo hiệu quả hơn trong công tác quản lý. Nhưng trong trường hợp này, các đơn vị vận tải chưa nhận thấy tiện lợi nên không mặn mà thực hiện thủ tục hành chính qua mạng.

Đối chiếu với một số sở của TPHCM (như Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế) có tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với trên 60% hồ sơ, càng cho thấy ngành giao thông thành phố cần có giải pháp đột phá, nhằm thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp vận tải thực hiện hồ sơ trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục